Một mình chăm lo cho 32 đứa con nuôi, sư cô Thích nữ Minh Nguyên chủ trì chùa Bửu Châu, phường Thống Nhất, TP Pleiku, Gia Lai, luôn tâm nguyện một điều: “Mình phải là một người mẹ chăm lo cho con như bao nhiêu người mẹ ruột khác”.
Hàng năm mỗi mảnh đời bất hạnh không hẹn mà gặp lại đến với “mẹ” Minh Nguyên
Có lẽ với sư cô Thích nữ Minh Nguyên, hình ảnh đọng lại, sâu sắc nhất trong lần đến thăm đầu tiên của chúng tôi đó là tình thương vô hạn hơn cả một người mẹ ruột, mang nặng đẻ đau giành cho những đứa con nuôi của mình. Chúng tôi nhớ mãi hình ảnh, đoàn người chúng tôi vừa bước xuống cầu thang, một em bé chừng 2 tuổi đứng dưới chờ cho đoàn người đi qua, khi thấy “mẹ” xuất hiện cô bé liền dơ tay lên để được mẹ bồng. Đôi dép bị bật quai mẹ Nguyên liền dán lại, chiếc quần tụt xuống mẹ Nguyên kéo lên… em bé liền cười và hôn lên má mẹ. Khiến chúng tôi cảm động chỉ đứng nhìn, hạnh phúc tràn trề khi được chứng kiến tình thương yêu vô bờ bến mà không phải ruột thịt của hai mẹ con. Nhưng cũng thật xót xa khi nghĩ đến những ông bố bà mẹ đã bỏ rơi “khúc ruột” của mình họ đang làm gì giờ này?, những em bé bị bỏ rơi không nhận được may mắn như các em ở đây. Nghĩ vậy thôi chúng tôi thầm cảm phục trước những việc làm cao quý của sư cô.
Sư cô kể, từ nhỏ sư cô sư cô cũng là một đứa trẻ thiệt thòi về tình cảm vì mẹ mất sớm, cha sư cô gửi cô vào cô nhi viện tại TP Quy Nhơn (Bình Định). Sau khi đất nước thống nhất, Ni sư Thích nữ Hạnh Thiện (trụ trì chùa An Thạn, phường An Phú, TP Pleiku) đã đón sư cô về nuôi và con đường xuất gia đã bắt đầu từ đây.
Tốt nghiệp Đại học Phật học ở Huế, đáng lẽ ra con đường tiếp tục du học còn rộng mở để sư cô Thích nữ Minh Nguyên đi tiếp. Nhưng như là “thập nhị nhân duyên” đã định sẵn và đưa cô về trụ trì tại chùa Bửu châu vào năm 2000.
Như một cơ duyên, chỉ một tháng sau khi làm trụ trì, một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đang rơi vào “đường cùng” đến “tâm sự” và gửi hai đứa con thơ của mình cho sư cô. Rồi cứ như vậy, lần lượt hàng năm những mảnh đời bất hạnh không hẹn mà đến cho tới nay đã có đến 32 cháu (không tính một cô bé đã tốt nghiệp Đại học và hai đứa trẻ đã được ba mẹ ruột đón về) đang được sư cô Minh Nguyên nuôi dưỡng và được chăm sóc, đưa đến trường như bao trẻ em khác!
Trong số đó, hiện có 1 em cấp ba, 5 em cấp 2, 1 cấp một, 4 mẫu giáo, 2 em bị đao được đi học ở trường thiểu não, còn lại là các em từ 3 ngày tuổi đến dưới 4 tuổi chưa thể gởi đi học mẫu giáo.
Sư cô tâm sự, hầu hết những em bé đến đây đều là những em chưa kịp cảm nhận được hơi ấm của mẹ đã phải rời xa, thậm chí rốn vẫn còn đỏ máu. Mới đây nhất là vào chiều thứ 6, ngày 13/8/2010, khi sư cô và các con đang lay hoay ở phòng ăn thì nghe tiếng trẻ con khóc, biết có một thành viên mới sư cô liền chạy lên. Người mẹ trẻ đã mang “khúc ruột” của mình, rốn vẫn còn chảy máu, đặt ngay giữa phòng và biến mất lúc nào không hay. Như mọi trường hợp trước, sư cô liền bế bé vào phòng và nhờ người mua sữa về cho bé.
Tay âu yếm vuốt tóc bé Nguyễn Ngọc Thể (3 tuổi), sư cô cho hay. Mẹ cô bé vốn là người dân tộc Tày, đã trót có thai với người đàn ông đã có gia đình, khi biết được người đàn ông đó có vợ và hai con, cô gái đã rất đau khổ, hận đời. Cô tìm đủ mọi cách phá cái thai trong bụng của mình rất nhiều lần nhưng không thành, đến khi cái thai được 5 tháng tuổi, cô gái được người ta “mách” đến tìm sư cô. Được sư cô cưu mang, động viên cô gái đã giữ cái thai lại, nhưng sau khi sinh, cô gái đã bỏ con lại và chưa một lần về thăm…
Chứng kiến sự bất hạnh của những số phận nơi đây, sư cô lại càng thương các con mình hơn. Nguyện hứa sẽ chăm lo cho các con đến nơi đến chốn, không để một con nào phải chịu thiệt thòi: “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng sư rất sợ các con bị tủi thân. Nên năm học nào cũng vậy, sư luôn cố gắng mua sắm cho các con từ quần áo đến sách vở… đều phải đầy đủ và mới giống như những người bạn cùng lớp”, sư tâm sự.
Không chỉ vậy, để các con được nên người, những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm lại được sư cô bù đắp bằng những lúc thả màn, đắp lại chăn và các em đã đến trường lại được sư cô cầm tay nắn nót từ nét chữ nên chưa có hôm nào sư cô được đi ngủ trước 12 giờ. Sư cô kể, hôm nào mệt quá ngủ quên là kiểu gì cũng có chuyện: “Những bé gái em nào cũng ngoan, nhưng những em trai thì nghịch lắm. Một đứa dậy là nó gọi cả 5, 6 đứa dậy, sau đó nó tè vào bô và mang đến đổ lên mặt những đứa đang ngủ”.
Chính sự hiếu động, nghịch ngợm của những đứa trẻ đã vô tình trở thành nỗi lo lớn nhất của sư cô: “Lúc nào sư cũng luôn quản các con thật chặt chẽ, đứa nào có tính hư từ nhỏ sư luôn phải quản thật chặt chứ không nỡ lòng nào mà đánh đập, như vậy thì xót lắm. Mệt nhọc mấy sư cũng không nề hà gì, sư chỉ sợ một điều không dạy dỗ tốt, sau này chúng lớn không vượt qua được sự cám dỗ của cái xấu nên sẽ hư hỏng”.
Cảm phục trước tấm lòng của sư cô, một số “bà nội” gần chùa hàng ngày luôn đến cúng quả, giúp sư cô chăm sóc các con.
Được biết, ngoài làm việc thiện tại chùa Bửu Châu, sư cô Thích nữ Minh Nguyên còn là ủy viên Ban trị sự Phật giáo tỉnh Gia Lai, ủy viên BCH hội liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai (nhiệm kỳ 2006- 2010) và là đại biểu HĐND phường Thống Nhất, TP Pleiku.
Tuy bận với việc đạo và việc đời, song sư cô luôn giành thời gian để nuôi dạy và đón nhận những mảnh đời bất hạnh. Và điều trăn trở lớn nhất hiện nay cũng như ước nguyện của sư cô là: “Tâm nguyện lớn nhất của sư chính là mình phải trở thành một người mẹ nuôi con như những người mẹ khác. Sư không chỉ nuôi con cho đến khi chúng 18 tuổi là hết trách nhiệm, mà phải làm sao cho các con khi ra đời phải có một chút “vốn liếng” để chúng nó lập nghiệp, có như vậy thì sư mới yên tâm”.