Mấy ngày gần đây, số trẻ đến Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai khám vì ho, sốt đã tăng lên khoảng 30% so với trước. Trong đó, một số trẻ bị nặng, nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, viêm phổi.
Mấy ngày gần đây, số trẻ đến Khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai khám vì ho, sốt đã tăng lên khoảng 30% so với trước. Trong đó, một số trẻ bị nặng, nhập viện trong tình trạng khó thở, suy hô hấp, viêm phổi.
Theo tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, số trẻ đến khám dịch vụ ngoài giờ cũng tăng mạnh, lên đến 60 trẻ vào mỗi tối, đặc biệt vào thứ 7 và chủ nhật thì thậm chí có thể lên đến 100 bé. Trẻ đến khám chủ yếu do sốt virus và nhiễm trùng đường hô hấp.
Nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh tăng là do thời tiết đang chuyển mùa từ hè sang thu, những cơn mưa bất chợt, nhiệt độ thay đổi trong ngày, trưa nóng, tối và gần sáng lại se lạnh. Trẻ chưa thích nghi kịp với sự thay đổi này nên dễ mắc bệnh. Đặc biệt là nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi, dễ bị biến chứng, bệnh diễn biến xấu nhanh, khó lường trước.
Bên cạnh đó, việc phát hiện bệnh ở trẻ sơ sinh là rất khó, nếu không để ý người lớn dễ bỏ qua. Một số cha mẹ thường chỉ nghĩ con bị bệnh khi có dấu hiệu sốt và ho. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với trẻ lớn còn với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì đây là những dấu hiệu không quan trọng. Có những trẻ không bị sốt hay ho nhiều nhưng đã bị biến chứng viêm phổi rất nặng, tiến sĩ Dũng cho biết.
Vì thế, theo bác sĩ, với nhóm trẻ này có 3 dấu hiệu quan trọng cha mẹ cần chú ý là: việc bú, ngủ và cách thở của trẻ. Nếu thấy bé bú ít hơn ngày thường, khóc khi bú hoặc quan sát thấy trẻ thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường, đầu gật gù hoặc nhìn thấy rõ hai cánh mũi phập phồng thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng. Ngay cả khi trẻ ngủ nhiều hơn bình thường thì cũng có thể do trẻ bị bệnh.
Khoa hô hấp nhi, Bệnh viện Xanh Pon cũng ghi nhận số trẻ đến khám tăng mạnh.
Bác sĩ Vũ Thị Thúy Lan, Trưởng khoa cho biết, thời tiết thay đổi khiến nhiều trẻ bị hen nhập viện. Nếu như những tháng nghỉ hè, một ngày chỉ có khoảng 20 cháu đến khám và nhập viện thì nay một ngày có đến 80 trẻ.
“Phần lớn là sốt virus trên bệnh nhân hen, với biểu hiện sốt và ho nhiều. Sốt virus không nguy hiểm, bệnh tự khỏi nhưng với trẻ sơ sinh bị lây bệnh từ trẻ lớn thường là những trường hợp nặng”, bác sĩ Lan cho biết.
Cũng theo bác sĩ, thời gian này trẻ bắt đầu nhập học nên khả năng bị lây bệnh là rất cao. Vì thế, cha mẹ cần chú ý đến việc ăn uống nâng cao sức đề kháng cho con, cảnh giác khi trẻ sốt cao vì đó có thể là sốt dịch nhưng cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh khác nguy hiểm hơn như sốt xuất huyết.
Điều cha mẹ cần đặt biệt lưu ý là khi con bị sốt dịch cần tránh dùng thuốc kháng sinh vì không có tác dụng mà lại lại người. Trẻ có thể bị sốt đến 5 ngày liền nên nếu uống thuốc kháng sinh liên tục càng khiến trẻ mệt hơn, bệnh lâu khỏi. Điều quan trọng là dùng thuốc hạ sốt để tránh trẻ bị sốt cao dẫn đến co giật và bổ sung thêm nước.
Theo các bác sĩ, thời tiết thay đổi trong này nên cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho con, gần sáng và đêm thì nên mặc quần áo ấm, trưa nóng thì có thể cởi bớt ra. Đặc biệt là với những bé ở nhà trẻ, sau khi trẻ nô, vã mồ hôi thì cô giáo cần lau sạch sẽ, tránh trẻ vừa nô xong, toát mồ hôi lại cho bé đi ngủ luôn ngay. Vì như vậy trẻ sẽ bị lạnh, dễ bị bệnh.
Ngoài ra, cha mẹ nên tắm cho con vào buổi trưa khi trời ấm, vì nếu tắm buổi tối, trẻ rất dễ bị nhiễm lạnh. Thời gian tắm cũng nên nhanh hơn, không được quá 15 phút.