Một cuộc nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Đại học California đăng trên tạp chí Environmental Health Perspectives (Mỹ) ngày 19.8 cho thấy bà mẹ tiếp xúc với thuốc trừ sâu trước khi sinh có thể làm chậm quá trình phát triển thần kinh của trẻ, tác động đến khả năng tập trung sau này.
Cuộc nghiên cứu đã được thực hiện trong nhiều năm trên 300 bà mẹ mang thai tại một khu vực nông nghiệp ở California và con của họ. Theo đó, các chuyên gia đã xét nghiệm hàm lượng chất diệt côn trùng organophosphate trên các mẫu nước tiểu của bà mẹ trong thời kỳ mang thai và của đứa trẻ sau khi sinh để xác định mật độ tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Kế đến, nhóm nghiên cứu kiểm tra về chứng rối loạn tập trung ở trẻ độ tuổi 3,5 và 5 tuổi. Kết quả cho thấy trẻ sinh ra từ bà mẹ tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu mắc chứng quá hiếu động làm mất tập trung (gọi tắt là ADHD) nhiều hơn đối với trẻ sinh ra từ các bà mẹ bình thường.
Nhiều người tin rằng do được dùng để đánh vào hệ thần kinh của côn trùng nên thuốc trừ sâu hoàn toàn có thể tác động đến hệ thần kinh người. Trước đó ba tháng, các nhà khoa học tại trường Y tế cộng đồng Harvard cũng đã phát hiện nếu lượng hóa chất diệt côn trùng trong cơ thể trẻ tăng gấp 10 lần thì khả năng bị rối loạn thiếu tập trung sẽ tăng 55%.
Trong lúc chưa có bằng chứng cụ thể trên cơ sở các thí nghiệm khoa học chính xác, chuyên gia dịch tể học Brenda Eskenazi, trưởng nhóm nghiên cứu đưa ra lời khuyên: “Cần rửa sạch trái cây và rau quả trước khi ăn, đặc biệt khi bạn mang thai”.