Trong khuôn khổ Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương vừa có kế hoạch triển khai Chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh sởi bổ sung cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, sẽ có trên 95% số trẻ em từ 1 đến 5 tuổi trên toàn quốc được tiêm bổ sung vắc xin sởi trong Chiến dịch.
Tiêm vắc xin sởi lần đầu khi trẻ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi
Những nỗ lực của Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia trong nhiều năm qua đã làm giảm rõ rệt số mắc và số chết do sởi so với trước, tỷ lệ mắc sởi từ 138,2/100.000 dân (năm 1985) giảm xuống còn 15,7/100.000 dân (năm 2001) và 0,02/100.000 dân (năm 2007). Điểm đáng ghi nhận là trước kia, hằng năm thường xảy ra dịch sởi có quy mô lớn nhưng từ khi triển khai Chương trình, chu kỳ của dịch sởi trên phạm vi toàn quốc kéo dài hơn, chuyển từ chu kỳ 5 năm sang chu kỳ 10 năm.
Năm 2009, cho dù tỷ lệ tiêm phòng sởi cao với 1.568.895 trẻ dưới 1 tuổi được tiêm vắc xin sởi (đạt 97%) và 1.471.627 trẻ 6 tuổi được tiêm vắc xin sởi nhắc lại mũi 2 (đạt 96,4%) nhưng vẫn xảy ra dịch sởi qui mô lớn (trên 7.000 ca mắc). Dịch xảy ra ở hầu hết các tỉnh/thành phố và ở hầu hết các lứa tuổi, trong đó nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất là trẻ từ 1 – 5 tuổi. Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là vụ dịch lớn nhất kể từ khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi trên toàn quốc vào năm 2002 – 2003. Sự xuất hiện của vụ dịch sởi này cho thấy miễn dịch quần thể chưa đủ lớn để cắt đứt hoàn toàn dây chuyền gây dịch, đặc biệt ở nhóm tuổi dưới 6 tuổi.
Trước tình hình đó, các chuyên gia dịch tễ học cho rằng song song với việc duy trì tiêm chủng vắc xin sởi mũi 1 và 2 trong Chương trình với tỷ lệ thường xuyên cao thì cần tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung kịp thời để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng. Vì sởi là bệnh có thể phòng được nên cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh hiệu quả là tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Tiêm vắc xin sởi lần đầu khi trẻ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Bệnh sởi có thể gây tử vong
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây do vi rút gây ra. Bệnh sởi lây truyền qua đường hô hấp trực tiếp từ người bệnh sang người lành khi ho hoặc hắt hơi và có thể lây truyền ở giai đoạn trước hoặc sau vài ngày xuất hiện triệu chứng của bệnh nên và ở những nơi tập trung nhiều trẻ em thường dễ có nguy cơ lây bệnh cao.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh sởi là sốt cao, xuất hiện vào khoảng ngày thứ 10-12 sau khi tiếp xúc với người bệnh và kéo dài vài ngày, kèm theo có thể chảy nước mũi, chảy nước mắt, ho, mắt đỏ và xuất hiện những nốt trắng nhỏ bên trong má. Vài ngày sau mới xuất hiện ban nhỏ, bắt đầu từ mặt, phía trên cổ trong thời gian khoảng 3 ngày, ban lan xuống thân thể, rồi tới tay và chân. Ban kéo dài 5-6 ngày rồi bay dần để lại những vết thâm. Giai đoạn ủ bệnh từ khi tiếp xúc với người bệnh cho đến khi xuất hiện ban trung bình khoảng 14 ngày, dao động trong khoảng 7 đến 18 ngày.
Trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không tiêm vắc xin sởi rất dễ mắc bệnh sởi và có nhiều biến chứng. Trẻ mắc sởi có thể bị tiêu chảy mất nước nặng, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp nặng, viêm phổi, viêm não và có thể tử vong. Sởi nặng thường gặp ở trẻ nuôi dưỡng kém, nhất là ở trẻ không được uống vitamin A hoặc sống trong điều kiện đông đúc và có hệ miễn dịch giảm do AIDS hoặc các bệnh khác.
Thông tin về kế hoạch tiêm vắc xin sởi bổ sung
Năm 2010, với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ tổ chức Chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Đến thời điểm này, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kế hoạch triển khai chiến dịch với Mục tiêu là tất cả trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn quốc sẽ không mắc bệnh sởi và tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012. Dự kiến có khoảng 7,5 triệu trẻ từ 1 đến 5 tuổi trên cả nước được tiêm chủng mũi 2 vắc xin sởi và thời gian triển khai Chiến dịch từ tháng 9 đến tháng 12/2010. Tại mỗi tỉnh/thành phố, thời gian triển khai Chiến dịch không quá 3 tháng và kết thúc trước ngày 31/12/2010.
Được biết, tại Hà Nội, trẻ em từ 1-5 tuổi (trẻ sinh từ ngày 30/9/2005 đến 30/9/2009) sẽ được tiêm bổ sung tại các trạm y tế xã, phường từ ngày 27-30/10. Còn trẻ em 6 tuổi (sinh từ ngày 01/1/2004 đến 31/12/2004) sẽ được tiêm mũi vắc-xin sởi nhắc lại tại các trường tiểu học vào ngày 26/10. Đợt tiêm cuối cùng sẽ được tổ chức tại các trường học và tại các trạm y tế 1-6/11.
hangkien1979 đã bình luận
theo tôi thì cho cháu đi tiêm vì nó cũng không ảnh hưởng gì cả.
Meyeucon.org đã bình luận
Tiem vac-xin phong Soi cho tre duoi 6 tuoi la can thiet de tao mien dich suot doi cho tre. Dot nay tiem nhac lai mui 2 cho tre du 18 thang tro len. ( Mui 1 tiem khi tre duoc 9 thang ). Con cua ban nam trong dien tiem dot nay. Dua tre di tiem la vi quyen loi cua tre, dong thoi the hien tinh yeu thuong dung cach cua ban. Chuc be cua ban luon khoe manh va mang lai niem hanh phuc day ap trong ngoi nha cua ban.
hangkien1979 đã bình luận
cháu nhà tôi sinh năm 2006 và lúc 9 tháng đã tiêm mũi sợi 1, nhưng hè năm 2010 vợ chồng tớ cho cháu đi tiêm viêm não Nhật Bản. Nhưng nhà trẻ cháu thông báo sẽ tiêm vacsxin sởi . Tôi có nên cho cháu tiêm không? Nếu có tiêm thì có vấn đề gì không?
lê thị xuân Diệu đã bình luận
con tôi sinh tháng 06 năm 2004, đã tiêm sởi lần 1 lúc bé 9 tháng tuổi, tháng 10 năm 2009 bé 5 tuổi và bị sốt phát ban, có các triệu chứng như sởi, xin hỏi nay tôi có nên cho cháu tiêm nhắc lại mũi 2 hay không cần do đã có miễn dịch? Xin cám ơn!
Meyeucon.org đã bình luận
Hiện tại nếu cháu bị sởi thì không phải tiêm nhắc lại nữa vì cháu sẽ miễn dịch.