Với sự giúp đỡ của Tổ chức Y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ tổ chức Chiến dịch tiêm vắc xin sởi bổ sung cho trẻ từ 1 – 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc.
Dự kiến có khoảng 7,5 triệu trẻ từ 1 – 5 tuổi trên cả nước được tiêm chủng mũi 2 vắc xin sởi miễn phí vào thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2010. Với Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu là tất cả trẻ em dưới 5 tuổi trong toàn quốc sẽ không mắc bệnh sởi và tiến tới loại trừ bệnh sởi vào năm 2012.
Riêng tại Hà Nội, trẻ em từ 1 – 5 tuổi (trẻ sinh từ ngày 30/9/2005 đến 30/9/2009) sẽ được tiêm bổ sung tại các trạm y tế xã, phường từ ngày 27/10 – 30/10. Ngoài ra, trẻ em 6 tuổi (sinh từ ngày 01/1/2004 đến 31/12/2004) cũng sẽ được tiêm mũi vắc xin sởi nhắc lại tại các trường tiểu học vào ngày 26/10. Đợt tiêm cuối cùng sẽ được tổ chức tại các trường học và tại các trạm y tế 1/11 – 6/11.
Theo các chuyên gia, sởi là bệnh có thể phòng được nên cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh hiệu quả là tiêm vắc xin sởi đầy đủ, đúng lịch. Việc tiêm vắc xin sởi lần đầu được thực hiện khi trẻ 9 tháng tuổi, tiêm nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi.
Biểu hiện đầu tiên của bệnh sởi là sốt cao, xuất hiện vào khoảng ngày thứ 10 – 12 sau khi tiếp xúc với người bệnh và kéo dài vài ngày, kèm theo có thể chảy nước mũi, chảy nước mắt, ho, mắt đỏ và xuất hiện những nốt trắng nhỏ bên trong má. Vài ngày sau mới xuất hiện ban nhỏ, bắt đầu từ mặt, phía trên cổ trong thời gian khoảng 3 ngày, sau đó ban lan xuống thân thể, rồi tới tay và chân. Ban kéo dài 5 – 6 ngày rồi bay dần để lại những vết thâm. Giai đoạn ủ bệnh từ khi tiếp xúc với người bệnh cho đến khi xuất hiện ban trung bình khoảng 14 ngày, dao động trong khoảng 7 – 18 ngày.
Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ nhỏ nếu không tiêm vắc xin sởi rất dễ mắc bệnh sởi và có nhiều biến chứng. Trẻ mắc sởi có thể bị tiêu chảy mất nước nặng, viêm tai giữa, nhiễm trùng đường hô hấp nặng, viêm phổi, viêm não và có thể tử vong.