Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận hàng trăm trẻ nhập viện do tai nạn tại gia đình. Trong đó, rất nhiều trẻ bị đa chấn thương phải điều trị lâu dài; bị di chứng suốt đời; thậm chí tử vong.
Vô số tai nạn
Có thời điểm, chỉ trong vòng 2-3 tuần mà khoa Khám bệnh của bệnh viện này tiếp nhận 3-4 ca liền cùng khoảng 3 tuổi vào cấp cứu do té ngã. Một bé con 3 tuổi chui qua lan can rơi xuống hàng rào, bị các cọc sắt xuyên người. Tai nạn tương tự không phải là cá biệt. Với trường hợp này, có bé người nhà đưa ra được khỏi cọc nhưng có bé phải chờ cắt cọc mới gỡ ra. Có trường hợp cháu bé con của cặp vợ chồng ở ngoại thành Hà Nội. Nhà mới xây, chưa hoàn thiện, cháu bé leo lên tầng cao rồi bị rơi xuống nền cứng vì nhà chưa có lan can.
Theo thống kê tại khoa Khám bệnh, có cháu bé rơi từ tầng 2-3, ở độ cao 4-8m xuống nền cứng và tử vong ngay; có bé được các anh đưa lên tầng gác xem thả diều giấy, bé bò chơi rồi rơi xuống đất. Mới đây nhất, cháu gái 3 tuổi ở Sóc Sơn (Hà Nội) bị ngã cầu thang tại nhà, khi được đưa đến cấp cứu thì đã quá muộn. PGS-TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2010, riêng tại Bệnh viện Việt Đức đã có gần 500 trẻ dưới 5 tuổi bị tai nạn nhập viện, trong số này phần lớn những tai nạn ở trẻ nhỏ có thể phòng tránh được, vì nguyên nhân chủ yếu dẫn đến những tai nạn đáng tiếc là do sự bất cẩn của người lớn.
Cẩn thận!
Những cái chết của trẻ con do té ngã tác động rất lớn đến người chứng kiến, nó thực sự là mối khủng hoảng nghiêm trọng về tâm lý đối với các cặp vợ chồng. Không ít trường hợp trẻ bị tử vong là con của gia đình hiếm muộn. “Chúng tôi mong muốn các ông bố bà mẹ, người trông nom trẻ cần cẩn trọng hơn trong việc chăm sóc con em mình. Rất nhiều ca tử vong ở trẻ em hoàn toàn tránh được nếu người lớn trông coi các em cẩn thận”, bác sĩ Nguyễn Xuân Vinh (khoa Khám bệnh) nói.
Theo bác sĩ Vinh, các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra như: ngã cầu thang, ngã từ tầng cao do không có lan can chắn, ngã từ thềm nhà xuống. Những tai nạn này đều có thể gây chấn thương chi, chấn thương phần mềm. Nặng hơn, ngã có thể gây tàn phế, chấn thương sọ não, tử vong. Bác sĩ Vinh cũng tư vấn thêm: “Trong gia đình cần chú ý về thiết kế các ổ điện, phích cắm, không để trẻ bị điện giật; khu vực bếp cần được lưu tâm khi đun nấu, không để đồ dùng gây bỏng cho trẻ, nên có những hình thức cách ly trẻ với khu bếp; cách ly với đường xuống cầu thang có thể bằng các cửa lửng để ngăn trẻ vượt qua; cần có lan can chắn cao, không để trẻ leo trèo hoặc chui qua các khe của các thanh chắn lan can, cửa sổ…”.