Hỏi: Con trai tôi được 9 tháng tuổi, dù được chăm sóc, nuôi dưỡng cẩn thận mà vẫn có dấu hiệu không tiêu hóa thức ăn, chậm lớn. Cháu hay đi phân sống, trong phân có những thức ăn còn nguyên vẹn như lá rau, miếng dưa hấu. Có phải điều đó chứng tỏ khả năng hấp thu của cháu bị ảnh hưởng?
Trả lời: Khi thức ăn không được tiêu hóa hoàn toàn sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng. Ngoài ra, khả năng hấp thu còn bị giảm đi ở các bé có tình trạng dinh dưỡng kém, gầy yếu, xanh xao do thức ăn không được nhai, nghiền tốt và do giảm tiết dịch của các tuyến tiêu hóa. Kém hấp thu thường gây cho bé tình trạng rối loạn tiêu hoá kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể lực, trí tuệ và sức khoẻ như có thể làm trẻ chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, thiếu máu…
Có phải ngay từ lứa tuổi ăn dặm, bé đã có thể có những biểu hiện này?
Bước vào độ tuổi ăn dặm, từ sau 6 tháng đến 3 tuổi, chế độ ăn của bé có sự thay đổi đáng kể: Chuyển từ chế độ ăn sữa sang ăn thêm những thức ăn khác nữa. Nếu các bậc phụ huynh để sự thay đổi này diễn ra đột ngột, không tập cho trẻ từ từ thích nghi với chế độ ăn mới thì rất dễ làm cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa, thể hiện qua các triệu chứng như đầy hơi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy, phân sống…
Tôi phải làm sao để đảm bảo con tôi hấp thu tốt các chất dinh dưỡng? Có cần thiết phải sử dụng men vi sinh?
Để trẻ hấp thu tốt các chất dinh dưỡng, trước hết, chị cần đảm bảo chế độ ăn hàng ngày của bé được cung cấp đủ nhu cầu về năng lượng và các chất dinh dưỡng ở một tỷ lệ cân đối thích hợp. Thức ăn được nấu chín kỹ, dễ tiêu hóa và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chị có thể tăng cường khả năng hấp thu cho bé bằng cách sử dụng men vi sinh theo tư vấn của thầy thuốc để bổ sung các vi khuẩn có ích theo từng đợt, đúng chủng loại và liều lượng. Men vi sinh này sẽ giúp bé hấp thu tối đa các dưỡng chất cho cơ thể.