Nói chuyện về giới tính và tính dục ở Việt Nam còn là điều mới mẻ nên nhiều người e ngại. Phần lớn cha mẹ đưa trẻ đi khám chỉ vì nghi ngờ trẻ bị đồng tính luyến ái. Theo các nhà chuyên môn, điều trị các loại rối loạn liên quan đến định dạng giới tính hoặc tính dục ở trẻ em là điều khó khăn, thậm chí không thể.
“Con bị gay!”
Một bệnh nhi (15 tuổi, TP.HCM) đến tư vấn tại khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng II, đã hoảng loạn: “Con sợ lắm! Sợ chính bản thân mình. Về mọi mặt trong cuộc sống, con đều bình thường, nhiều mặt con còn vượt trội hơn người khác. Nhưng, nếu bệnh của con cứ tiếp diễn, con sợ không kiểm soát được nó. Mọi người rồi sẽ biết, con sẽ bị loại ra bên lề xã hội dù có học giỏi bao nhiêu và nhân cách có thế nào chăng nữa”. Trước đó, cậu bé này là đứa trẻ năng động, thích chơi bóng đá, đánh cầu lông… nhưng dần dà cậu chỉ chăm chăm vào việc học và có những sở thích khác thường mà cậu thừa nhận là: “Con bị gay!”.
Một trường hợp bệnh nhi nam khác cũng ở tuổi dậy thì, được bà mẹ đưa đến vì hoảng loạn trước sở thích kỳ lạ của con mình. Theo lời kể của bà mẹ, con trai bà thích mặc đồ phụ nữ. Ban đầu là mặc đồ của mẹ và chị, sau đó ăn cắp đồ hàng xóm và có vẻ thích quần áo của người hàng xóm hơn. Theo BS Đặng Ngọc Thạch – Khoa Tâm lý BV Nhi Đồng II, đây là dạng loạn dục cải trang – một dạng rối loạn thường gặp, với mục đích “gợi dục” cho chính bản thân. Do vậy, cậu bé đã giấu kín và phủ nhận hoàn toàn những gì mình đã làm.
Theo các nhà chuyên môn, rối loạn về xác định giới có nhiều dạng. Đầu tiên là những trường hợp rối loạn chuyển giới, cảm thấy mình bị đặt nhầm giới, nên có nhu cầu thôi thúc làm một người khác giới bằng nhiều phương cách như điều trị hormon, phẫu thuật chuyển giới. Rối loạn thứ hai là loạn giới cải trang. Tình trạng này không thúc đẩy đứa trẻ phải biến mình thành một người khác giới hoàn toàn, mà chỉ diễn ra trong một giai đoạn, đạt được sự hài lòng về giới và giải tỏa lo âu về giới tính bằng cách mặc quần áo của người khác giới. Dạng thứ ba là rối loạn xác định giới ở trẻ em, thường diễn ra trước tuổi dậy thì. Bên cạnh đó, người ta còn gặp nhiều ca bị rối loạn sở thích tính dục.
“Ở trẻ em, những trường hợp thường gặp là rối loạn hành vi – tâm lý thường kết hợp với định hướng tính dục, như: loạn dục với đồ vật, loạn dục cải trang. Khác với những trường hợp loạn giới cải trang, đứa trẻ bị loạn dục cải trang, khi đã đạt đến khoái cảm tình dục sẽ cởi bỏ ngay những bộ quần áo của người khác giới. Mỗi tuần, trung bình chúng tôi gặp một – hai ca trẻ vị thành niên đến tư vấn vì chưa xác định được giới tính, không biết bản thân là trai hay gái, không biết rõ định hướng tính dục của mình – thích ai,” BS Ngọc Thạch cho biết.
Đừng sỉ nhục con
BS Ngọc Thạch cho biết, với trường hợp đầu tiên nêu trên, đứa trẻ đó mạnh mẽ về lý trí nên rất đau khổ trước những thay đổi. Dù là ngờ ngợ hay rõ ràng, đứa trẻ cũng đang ở lằn ranh của sự khởi đầu cho một cuộc sống không dễ dàng. Trong khi trẻ đang mất phương hướng, cần một sự nâng đỡ cảm xúc, thì chính cha mẹ lại là những người đầu tiên “sỉ nhục” trẻ bằng nhiều cách khác nhau.
Yêu thương, quan tâm trẻ để giúp trẻ vượt qua “bước ngoặt” thanh thiếu niên
“Khi phụ huynh tìm đến các dịch vụ hỗ trợ tâm lý thì những mối bất đồng và mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái đã rất sâu sắc. Sự phát hiện và sau đó phải đối mặt với việc có một đứa con mang khuynh hướng đồng tính luyến ái là điều cực kỳ khó khăn đối với các bậc cha mẹ, vì đa số xem người đồng tính như những người có tinh thần yếu đuối, thậm chí bệnh hoạn…”. BS Nguyễn Minh Tiến – giảng viên khoa Tâm Lý, ĐH Văn Hiến, cho biết.
BS Thạch có lời khuyên dành cho các phụ huynh: “Hãy để ý xem đứa trẻ nghĩ gì, cần gì, làm gì; từ đó có sự định hướng sự phát triển làm sao cho phù hợp với văn hóa, tính cách, giới tính của trẻ. Khi thiếu quan tâm, đến một giai đoạn nào đó sự việc bùng phát, các bậc cha mẹ sẽ cảm thấy đau khổ, tức giận, đánh đập chửi mắng con rồi tự giày vò bản thân… Những điều đó không giúp ích gì được cho trẻ và gia đình. Đa số những đứa trẻ có sự bất thường này đều bị sỉ nhục từ chính gia đình mình”.
Theo thống kê, sau khi khám phá định hướng giới tính của mình (đồng tính, lưỡng tính), khoảng 20 – 40% trẻ vị thành niên bị từ chối hoặc bị đe dọa bởi chính các thành viên trong gia đình, 5% bị tổn thương về cơ thể. Cảm nhận bị cách ly, không được chấp nhận có thể làm gia tăng nguy cơ đáp ứng lệch lạc như tự tử, lạm dụng chất gây nghiện ở những thanh niên này.
Các chuyên viên tâm lý thừa nhận, vị thành niên là một giai đoạn có nhiều xáo trộn. Trẻ em chưa tự định hướng được, nên cha mẹ phải thực hiện một vai trò đầy mâu thuẫn: vừa phải để con cái tự do, vừa phải định hướng con một cách nhẹ nhàng. Chính vì vậy, giáo dục giới tính nên được bắt đầu từ sớm, trước khi thiếu niên vào tuổi dậy thì.
Trong hội thảo tâm lý Pháp – Việt lần thứ 7 năm 2009, BS Phan Thiệu Xuân Giang – giảng viên môn Tâm lý thần kinh và tâm bệnh học trẻ em (ĐH KHXH&NV) cho biết, theo một thống kê của Hà Lan thực hiện vào năm 2000 trên 351 trẻ nam và 319 trẻ nữ ở độ tuổi từ 0 – 11 tuổi, các bà mẹ báo lại rằng: 97% các trẻ sờ mó bộ phận sinh dục của chính trẻ, 60% chơi trò chơi “bác sĩ” với bạn bè, 50% thủ dâm, 33% sờ bộ phận sinh dục của người khác, 21% cho người khác xem, 13% vẽ hình bộ phận sinh dục, 8% nói về hoạt động tình dục và 2% bắt chước các hành vi tính dục với búp bê.
Để giáo dục giới tính cho trẻ, cha mẹ chỉ cần cởi mở với trẻ khi chúng hỏi, đừng ngăn cấm trẻ tìm hiểu về cơ thể của chúng. Đối với thanh thiếu niên, không nên bố trí máy vi tính trong phòng riêng của chúng. Như vậy, cha mẹ đã góp phần giúp giảm thiểu những rủi ro về các hậu quả tiêu cực tiềm tàng từ hành vi tình dục. Đồng thời cần trang bị cho trẻ các kỹ năng quan trọng như nhận ra sự cám dỗ từ người khác, chống lại họ và đối phó với các thách thức gặp phải, đồng thời có thể tìm ra sự giúp đỡ từ người lớn – cha mẹ, giáo viên, các chuyên gia.