Đó là chàng thanh niên Trương Tấn Dũng, thành phố Đà Nẵng bị liệt cả hai chân, phải đi lại bằng xe lăn nhưng đã nỗ lực vươn lên để đem lại niềm tin cho những mảnh đời bất hạnh vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống
Bị nhiễm chất độc da cam do di chứng từ bố mẹ, chàng thanh niên Trương Tấn Dũng, trú tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng bị liệt cả hai chân, phải đi lại bằng xe lăn. Thế nhưng, Trương Tấn Dũng đã nỗ lực vươn lên, vượt qua mặc cảm số phận, vui vẻ hoà nhập cộng đồng.
Là thành niên của Trung tâm Bảo trợ, Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, Dũng luôn tự tin làm việc, trở thành người bạn, người thầy của các em là nạn nhân chất độc da cam.
Sinh ra ở vùng quê nghèo ven sân bay Đà Nẵng, vào thời điểm đất nước khó khăn, cuộc sống nghèo đói, Trương Tấn Dũng không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa, chất độc da cam mà bố mẹ nhiễm phải, đã truyền sang cậu bé vốn gầy gò, ốm yếu.
Lên 3 tuổi, trong một cơn sốt nặng, không có tiền chạy chữa, Dũng bị liệt cả hai chân. Cuộc đời trớ trêu, cùng quẫn hơn khi Dũng lên 10 tuổi mẹ mất, người cha chán nản, bỏ đi biệt xứ cùng người đàn bà khác. Bơ vơ, Dũng được bà ngoại và cậu ruột đón về rau cháo qua ngày. Nhưng tật nguyền, nghèo đói không thể nào hạ gục được cậu bé đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi ấy.
Dũng kể: “Đến 3 tuổi em bị sốt bại liệt, sau khi mẹ mất ba em sống buôn thả rượu chè, gia đình bên nội cũng không lo được gì cho hai đưa em, cuối cùng bà ngoại dẫn em và cậu em về nhà nuôi. Từ nhỏ em không được đi học chỉ có em là được đi. Cuối cùng, gia đình cũng cho em đi học để sau này có tương lai. Em phải đi bán vé số để có tiền đi học. Ngoài ra, em còn vẽ tranh để bán lấy tiền học thêm vi tính”. Hồi còn nhỏ chưa có xe lăn, Dũng phải chống nạng đi bán vé số, kiếm tiền phụ bà ngoại nuôi mình, nuôi em ăn học. Lang thang khắp các đường phố Đà Nẵng, nhìn thấy mọi cảnh đời và sự cám dỗ, nhưng chưa bao giờ Dũng xin ai lấy một xu. Đi bán vé số, không ít lần nhặt được của rơi Dũng đều tìm cách trả lại.
Lớn hơn một chút, Dũng bắt đầu tìm cách kiếm tiền bằng vẽ tranh và dạy học. Ai gặp Dũng cũng ngạc nhiên khi trên gương mặt cậu bé tật nguyền ấy luôn là nụ cười tươi tắn, lạc quan. Tâm niệm của Dũng là “Cứ sống trong mặc cảm sẽ càng khiến mình tự thụt lùi, làm khổ cho người thân, gia đình”. Không tự ti, mặc cảm mình là người tàn phế, không muốn là gánh nặng cho gia đình, vừa đi bán vé số để kiếm thêm tiền phụ giúp bà ngoại, Dũng mua sách mày mò tự học vi tính, rồi đăng ký học thêm khoá Trung cấp Tin học, với hy vọng kiếm được một nghề ổn định, phù hợp với sức khỏe và điều kiện của mình.
Bà Đoàn Thị Tê, bà ngoại của Dũng, kể rằng: “Tôi phải lo mọi mặt cho Dũng, mẹ chết, cha thì bỏ đi đâu không hay biết. Do chất độc da cam, hắn đau nhiều trận, gần chết, tôi cực với hắn đủ điều. Tôi mừng vì giờ Dũng tự lo liệu cho bản thân, tự mua quần áo, mua sắm”.
Tật nguyền, nhưng Trương Tấn Dũng rất có năng khiếu về hội họa. Những gì nhìn thấy, rung cảm, mơ ước… trong cuộc mưu sinh, đêm đêm Dũng trải lòng trên những bức tranh. Rồi anh đem những bức tranh ấy tham dự các cuộc thi vẽ, được đánh giá cao. Nhiều người bỏ tiền ra mua, với niềm yêu thích và cảm phục.
Người nọ truyền người kia, tranh của Dũng không chỉ được trưng bày, mua bán ở trong nước mà nhiều tổ chức nhân đạo, từ thiện đã mua tranh của anh đưa ra nước ngoài trưng bày, giới thiệu.
Ông Ngô Thanh Lương, hàng xóm của Trương Tấn Dũng ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, người thường xuyên giúp đỡ, trò chuyện vì quý mến Dũng, nói: “Tôi thấy những bức tranh về giải phóng Điện biên, lá cờ phất trên hầm Đờ cát, cháu vẽ rất đúng. Hồi đó phường đài thọ cho cháu và giới thiệu bên Mỹ hỗ trợ, thu thập những bức tranh đó đem sang Mỹ bán, sau đó gửi tiền về cho cháu Dũng, tôi thấy rất cảm động. Tôi cảm phục về tấm gương vươn lên, học hỏi của Dũng”.
Cùng với sự nỗ lực của bản thân để vượt qua mặc cảm, Dũng đã vươn lên hoà nhập cộng đồng. Năm 2006, Dũng được Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng mời về làm việc, dạy chữ cho các em bị nhiễm chất độc da cam, hoàn cảnh tương tự như Dũng. Đây là tấm gương để các em học theo.
Ông Trà Thanh Lành, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng nói: “Chúng tôi đưa anh về cơ sở 2 làm giáo viên để truyền đạt, dạy lại cho các em. Đến nay, đã có một số em học tập tiến triển và học vẽ. Là người khuyết tật, nhưng Dũng biết vươn lên số phận. Một tấm gương đáng biểu dương để người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam noi theo”.
Hàng ngày ở Trung tâm Bảo trợ Hội Nạn nhân nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, Trương Tấn Dũng di chuyển khó nhọc trên chiếc xe lăn và vẫn miệt mài vươn mình khỏi xe lăn, dạy các em con toán, rèn nét chữ, tập đọc, tự sáng tác thơ rồi kể chuyện cho các em nghe.
Em Nguyễn Thị Hà, đang sinh hoạt tại Trung Tâm Bảo Trợ nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng tâm sự: “Con là người khuyết tật bị nhiễm chất độc da cam. Con ở đây 3 năm, được thầy Dũng dạy Tin học và học vẽ. Con rất vui và hạnh phúc vì được học những kiến thức của thầy Dũng truyền đạt. Con sẽ cố gắng hơn nữa để không phụ lòng thầy Dũng và các cô trong Trung tâm”.
Không những thế, Trương Tấn Dũng còn như một người anh, hàng ngày ngoài giờ dạy học cho các em, Dũng còn kiêm luôn cả việc chăm sóc từng bát cơm, thìa cháo, rồi lo lắng, quan tâm đến giấc ngủ cho các em nạn nhân chất độc da cam. Dũng vẫn thường nói: “Mỗi em một hoàn cảnh khác nhau nên khi dạy và truyền đạt kiến thức cho từng em rất khác nhau, phải hết lòng, hết sức”.
Dũng luôn tâm niệm: “Niềm vui là được sống và làm việc với những em bị nhiễm chất độc da cam và mong sao có thể đem một phần nhỏ bé của mình giúp các em cùng cảnh ngộ. Từ đó các em từng bước xóa đi mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống”.
Sinh hoạt và dạy chữ cho các em ở Hội Nạn nhân chất độc da cam thành phố Đà Nẵng, ai cũng khâm phục ý chí vươn lên của anh. Bà Võ Thị Kim Yến, giáo viên cùng làm việc với Trương Tấn Dũng tại Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, nhận xét: “Đi lại của Dũng rất khó khăn nhưng không ngày nào anh bỏ công việc của mình, vẫn đến đều đặn và dạy các em tận tình. Tôi rất khâm phục vì dạy các em bình thường đã khó và dạy các em bị nhiễm chất độc da cam, thiểu năng trí tuệ còn khó hơn. Dũng cũng vượt khó khăn để đem lại niềm tin và đem lại niềm vui cho những mảnh đời bất hạnh vượt qua số phận vươn lên trong cuộc sống”.
Tấm gương khuyết tật biết vượt qua khó khăn, mặc cảm để vươn lên, để giúp đỡ, dạy dỗ trẻ em nạn nhân da cam ở thành phố Đà Nẵng như chàng trai trẻ Trương Tấn Dũng, khiến mọi người cảm phục, trân trọng kính nể, trở thành gương sáng để học hỏi, noi theo.
Mong rằng những số phận kém may mắn luôn vững tin hòa nhập cộng đồng, trở thành những người có ích cho xã hội và cho những người cùng cảnh ngộ học tập và làm theo.