Mặc dù chưa thể làm chủ được bản thân khi ở tư thế ngồi nhưng trẻ 6 tháng tuổi hoàn toàn có cảm giác căng thẳng khi trẻ thấy mình không được chú ý.
Mức độ hooc-môn căng thẳng cortisol sẽ được nâng lên khi trẻ bị mẹ lờ đi và một ngày sau đó, trẻ vẫn lo lắng về sự việc có thể lặp lại. |
Một đứa trẻ thiếu thốn tình yêu của mẹ chỉ trong 2 phút sẽ thấy lo lắng về sự việc có thể lặp lại ở ngày tiếp theo, nghiên cứu tại Canada chỉ rõ.
Các chuyên gia về sự phát triển của trẻ cho biết sự lặp lại những căng thẳng có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trẻ nhỏ và gây ra những khó khăn cho trẻ trong cuộc sống sau này.
Để khảo sát xem liệu trẻ 6 tháng tuổi có khả năng đoán trước rắc rối không, các nhà nghiên cứu Canada đã mời 30 bà mẹ cùng con của họ đến phòng thí nghiệm và chia họ thành 2 nhóm.
Ở nhóm thứ nhất, những em bé được đặt vào trong ghế dành cho trẻ ngồi ô tô và các bà mẹ sẽ chơi và nói chuyện với trẻ bình thường. Trong quá trình này, người mẹ sẽ nhìn qua đầu trẻ với gương mặt không chút biểu cảm trong 2 phút. Ngày tiếp theo, người mẹ sẽ đưa trẻ trở lại phòng thí nghiệm. Nồng độ cortisol sẽ được đo nhiều lần trong ngày. Nồng độ cortisol đã tăng vọt khi trẻ bị mẹ lờ đi và rồi giảm dần, trước khi tăng trở lại lúc bé được đưa đến phòng thí nghiệm, dù trẻ không hề bị lờ đi chút nào vào ngày thứ 2 này.
Phát hiện này cho thấy việc quay trở lại phòng thí nghiệm đã khiến những em bé bị lờ đi cảm thấy lo ngại.
Ở nhóm thứ 2, trẻ cũng sẽ cùng trải qua 1 quá trình nhưng không hề bị lờ đi một giây phút nào và mức độ hormone của trẻ không hề thay đổi.
Nhà nghiên cứu, BS David Haley, ĐH Toronto, cho biết: “Các kết quả này cho thấy trẻ nhũ nhi đã có phản ứng căng thẳng dựa trên những mong đợi của trẻ đối với bố mẹ”.
Theo GS Jay Belsky, trường Birbeck, ĐH London, các yếu tố như trầm cảm có thể ảnh hưởng tới các mối quan hệ của người mẹ với đứa trẻ và sẽ làm gia tăng nồng độ cortisol nhanh chóng cũng như lặp lại.