Chủ trương huy động trẻ em 5 tuổi được đến lớp học mẫu giáo nhằm mục đích để trẻ 5 tuổi được học chương trình mẫu giáo lớn, chuẩn bị vào lớp 1. Đây là chủ trương lớn, đã từng bước được xã hội hoá. Nhà giáo Trần Hữu Trù – nguyên chuyên viên cao cấp của Bộ GDĐT – đã nêu rõ những bất cập từ thực tế sau những con số.
Những bất cập
Năm học 2009-2010, số trẻ mẫu giáo được đến trường là 3.114.954 cháu, đạt tỉ lệ huy động 80,9%. Riêng trẻ mẫu giáo 5 tuổi tới trường là 1.305.715 cháu, đạt tỉ lệ huy động 98%.
Kết quả nói trên là một thuận lợi cơ bản cho việc thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ 5 tuổi trong 6 năm, theo đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vừa qua. Theo đề án dự kiến, đến năm 2012 có 85% số tỉnh, thành phố đạt phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và năm 2015 là 100%. Đến năm học 2014-2015, 95% số trẻ 5 tuổi được học 2 buổi/ngày. 100% trẻ trong các cơ sở mầm non được học chương trình GDMN mới, 100% giáo viên dạy trẻ mẫu giáo 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
Để mục tiêu phổ cập GDMN 5 tuổi không chỉ là những con số chạy theo thành tích mà phải có chất lượng thực sự về nuôi dạy trẻ, không chỉ dừng ở góc độ “nuôi” trẻ, nhiều người từng làm công tác GDMN cho rằng, phổ cập GDMN còn khó khăn hơn phổ cập giáo dục tiểu học rất nhiều. Khi luật phổ cập giáo dục tiểu học được ban hành, thì các xã, phường đều đã có trường tiểu học công, đội ngũ giáo viên nhìn chung đủ về số lượng và đã được đào tạo. Một thuận lợi rất cơ bản cho việc phổ cập giáo dục tiểu học là học sinh tiểu học được hoàn toàn miễn học phí.
Nay để bảo đảm phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi và phải tiến tới phổ cập giáo dục mầm non cho cả bậc học, chúng ta còn gặp những khó khăn bất cập sau:
1. Số trường lớp ngoài công lập còn chiếm tỉ lệ cao. Nói đến phổ cập là nói đến việc bắt buộc các bậc cha mẹ hay người giám hộ có trẻ 5 tuổi phải đưa con em tới trường và Nhà nước phải bảo đảm về cơ sở vật chất trường lớp, đồ dùng học tập và đội ngũ giáo viên, nhưng hiện nay ở nước ta, số trẻ đến trường mầm non ngoài công lập còn chiếm tỉ lệ cao (trên 50% tổng số HS). Số trường ngoài công lập là 5.369 trường, trong đó bán công là 4.011 trường, dân lập là 350 trường và tư thục là 1.008 trường. Mặt khác, mạng lưới trường mầm non phát triển không đều và có thể nói chưa có tỉnh, thành nào kể cả Hà Nội, TPHCM có tạm đủ trường lớp để đáp ứng yêu cầu đưa trẻ đến trường của nhân dân. Hà Nội có 80% số trường ngoài công lập. TPHCM trường công lập mới đáp ứng được khoảng trên 30% nhu cầu học cho GDMN. Chính vì trường lớp còn thiếu như thế, nên việc tìm chỗ học cho con em gặp rất nhiều khó khăn, tình trạng chạy trường, chạy lớp diễn ra quyết liệt không kém so với việc chạy vào trường chuyên, lớp chọn bậc phổ thông. Không vào được trường công thì phải gửi con em vào các nhóm trẻ gia đình, các lớp tư, trường tư với học phí rất cao, hơn cả học phí đại học, mà chất lượng “dạy” vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành chủ quản.
2. Cơ sở vật chất dành cho GDMN còn rất nghèo nàn, thiếu thốn so với các bậc học khác. Đó là một nghịch lý về đầu tư trong những năm qua. Số trường chuẩn quốc gia của GDMN đến năm nay là 2.014 trường, đạt tỉ lệ 15,8% tổng số trường. Nhiều tỉnh GDMN phải học ghép với trường tiểu học, phần lớn lớp học tạm bợ. Thí dụ tỉnh Trà Vinh, 12 xã chưa có trường mầm non, trẻ em mẫu giáo phải học chung với trường tiểu học. Tỉnh Cao Bằng có tới 125 xã, phường, thị trấn chưa có trường mầm non. Trong số 1.053 phòng học thì chỉ có chưa đầy 300 phòng đạt yêu cầu. Tỉnh Lào Cai có tới 83,2% số phòng học tạm bợ, 90,4% số lớp thiếu trang thiết bị dạy theo chương trình giáo dục mầm non mới. Theo chỉ thị của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì từ nay đến tháng 9.2010 phải quy hoạch đất, xây dựng trường, không chỉ cho trẻ 5 tuổi mà cả cho trẻ 3-4 tuổi thì cũng khó có thể trở thành hiện thực. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nên việc bảo đảm 95% số trẻ 5 tuổi tới lớp được học 2 buổi/ngày cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ở các tỉnh miền núi phía bắc, vùng sâu Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, miền Trung, tỉ lệ trẻ đến lớp được học 2 buổi/ngày còn rất thấp như Lào Cai chủ yếu là học 1 buổi, tỉnh Phú Yên chỉ có 23,2% được học 2 buổi/ngày.
3. Việc nuôi dưỡng các cháu ở nhiều trường lớp mầm non còn bị thả nổi. Tình trạng tham nhũng, bớt xén khẩu phần ăn đã xảy ra ở nhiều nơi, kể cả một số trường lớn, có danh hiệu. Số trường có nhân viên y tế không đáng kể, chỉ có một số trường lớn ở thành phố. Phần đông các cán bộ y tế không muốn làm việc ở trường học, vì lương thấp và không được bồi dưỡng về chuyên môn. Đội ngũ giáo viên cả nước còn thiếu khoảng trên 25.000 người. Nhìn chung, đồng lương của các cô giáo mầm non quá thấp, không bảo đảm đời sống, có thu nhập không bằng ôsin nên nhiều người đã bỏ nghề.
Phân bổ 14.600 tỉ đồng như thế nào?
Kinh phí thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN 5 tuổi dự kiến là 14.600 tỉ đồng, nhưng phân bổ như thế nào để bảo đảm sự công bằng, vì hiện nay trường công lập chưa bảo đảm nhu cầu đi học của các cháu. Rất nhiều cháu không được vào học trường công, phải học trường tư đóng góp học phí rất cao, các khoản tiền ăn, tiền nhà, tiền mua sắm đồ chơi và các khoản khác cũng rất nặng nề, đó là một sự bất công không nhỏ đối với các cháu. Việc cho các cháu lứa tuổi mầm non tới trường, lớp hiện nay là nhu cầu bức thiết của các bậc cha mẹ đang tuổi lao động. Họ phải đưa con tới lớp mầm non với mục đích gửi trẻ, trông trẻ để đi làm là chính. Vì vậy để phổ cập GDMN bền vững, có chất lượng đúng với mục tiêu đề ra, các cấp chính quyền phải bảo đảm đủ trường lớp và giáo viên để thỏa mãn nhu cầu tới lớp của các cháu.
Nhà giáo Trần Hữu Trù – nguyên chuyên viên cao cấp Bộ GDĐT