Phụ huynh đua nhau chống dị tật khúc xạ cho con bằng các loại giá đỡ cằm, áo giáp, đèn chống cận thị… Hiệu quả chưa biết nhưng nguy cơ ảnh hưởng xương, cơ, khớp trẻ là có thật!
“Trăm hoa đua nở”
Đánh trúng tâm lý muốn phòng ngừa cận thị, cong vẹo cột sống cho con của phụ huynh, các Cty đã tung ra thị trường những dụng cụ chống cận thị, cong vẹo cột sống với lời quảng cáo “chống hình thành cận thị, cong vẹo cột sống do ngồi học sai tư thế một cách hiệu quả nhất”; hay “giảm mệt mỏi thị lực, sửa lại chứng cận thị giả”; “đèn chống cận được trang bị thêm một mạch điện riêng có tác dụng điều chỉnh tần số dòng điện từ, giúp mắt không bị mỏi, nhức, chống cận thị”…
Giá bán của giá đỡ cằm chống cận thị, cong vẹo cột sống khoảng từ 60.000-100.000 đồng/chiếc; “áo giáp” phòng chống vẹo cột sống, cận thị từ 200.000-400.000 đồng/áo; đèn chống cận nội từ 90.000-160.000 đồng/chiếc, đèn nhập ngoại khoảng 600.000-900.000 đồng/chiếc… Tuy giá bán khá cao nhưng nhiều người không tiếc tiền mua cho con với hi vọng đây là một cái “vòng kim cô” giữ trẻ ở khoảng cách an toàn nhất cho mắt và cột sống.
Thế nhưng, thực tế khi nhiều người mua ép trẻ vào “khuôn” của các dụng cụ này lại không có được hiệu quả như mong muốn. Lí do là những dụng cụ này khi được “nẹp” vào người trẻ gây cảm giác khó chịu, khiến trẻ mất đi sự tự nhiên, ảnh hưởng đến quá trình học tập, tiếp thu bài.
Chị Phương (Thanh Xuân, Hà Nội) kể, mỗi lần hai đứa trẻ nhà chị chuẩn bị ngồi vào học lại căng thẳng vô cùng khi nhìn thấy giá và áo chống cận. Cả hai nhất định không chịu “chui” vào vì thấy vướng và… sợ. Cả buổi tập viết chữ, ba mẹ con cứ đánh vật với nhau và đánh vật với mấy dụng cụ này nên chữ viết không ra hồn. “Tôi tháo bỏ đi thì thấy chúng thoải mái hơn, viết chữ cũng đẹp hơn. Có điều, tôi phải mất nhiều thời gian uốn chỉnh mỗi khi chúng cúi sát hoặc ngồi sai tư thế”-chị Phương chia sẻ.
Đề phòng biến chứng!
Trẻ bước vào độ tuổi đi học vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các bộ phận trên cơ thể. Đeo những thiết bị này vào là can thiệp, tác động lên quá trình phát triển của trẻ. Nếu dùng giá đỡ lâu ngày sẽ hạn chế sự phát triển của cằm, cổ, có thể khiến trẻ bị bệnh cứng cổ. Đối với “áo giáp”, loại áo này chỉ dùng trong trường hợp bó bột khi gãy cột sống, phải theo chỉ định của bác sĩ. Vì thế, sử dụng tùy tiện-nhất là đối với trẻ nhỏ đang phát triển, sẽ khiến trẻ mắc các bệnh về cột sống-bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Kim Loan, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Trí Đức, Hà Nội cảnh báo.
Việc dùng các loại đèn để chống cận thị cũng không phải là biện pháp tốt bởi nếu như dùng loại đèn có ánh sáng không đúng trẻ vẫn mắc tật khúc xạ bình thường. Ánh sáng tốt nhất là loại ánh sáng có màu của trời nắng không mây, nhưng không phải loại đèn nào cũng có được ánh sáng này. Vì thế, điều quan trọng là chọn được loại đèn phù hợp cho trẻ. Và cũng không có chiếc đèn nào có thể chống cận thị cho học sinh-bác sĩ Trịnh Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết.
Theo các bác sĩ, nên cho trẻ dùng loại đèn có cần cao 45cm, máng che khuất bóng đèn và quay được theo các hướng; cần đèn có thể điều chỉnh được độ cao. Tốt nhất nên dùng loại bóng dài, độ rọi sáng từ 300-500 Lux để đảm bảo độ sáng vừa đủ.
Phụ thuộc dụng cụ chống cận là sai lầm!
Đây là lời cảnh báo của bác sĩ Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến dị tật khúc xạ ở trẻ như thiếu dinh dưỡng, di truyền, tư thế ngồi học không đúng (nhìn quá gần) và thiếu ánh sáng. Nếu như cha mẹ quá phụ thuộc vào dụng cụ chống cận mà không rèn thói quen nhìn đúng khoảng cách cho trẻ là hoàn toàn sai lầm. Trẻ có thể ngồi ở khoảng cách tốt nhưng thường xuyên xem ti vi, đọc sách báo ở tư thế gần cũng có thể bị cận thị. Có thể phòng tránh dị tật khúc xạ cho trẻ bằng bổ sung đủ chất dinh dưỡng, học hành điều độ; kiểm soát tư thế ngồi học, xem ti vi của trẻ…