Trước thực tế nhiều bạn trẻ hiện nay không biết chọn lựa nghề nghiệp thế nào cho phù hợp, Cung thiếu nhi Hà Nội vừa đưa ra mô hình Công viên việc làm thu nhỏ nhằm hướng nghiệp cho các em từ 4-15 tuổi.
Thử sức với 20 ngành nghề
Hà My năm nay 6 tuổi. Cũng như bao bé gái khác, Hà My thích chơi đồ hàng, thích được làm bác sĩ khám bệnh cho búp bê. Ước mơ của em, sau này sẽ trở thành bác sĩ cứu chữa bệnh cho mọi người. Để ước mơ đó thành hiện thực, cô bé Hà My phải đợi gần 20 năm nữa. Với mong muốn giúp trẻ thơ biến ước mơ thành hiện thực, Cung Thiếu nhi Hà Nội và Công ty Rồng Vin đã xây dựng mô hình Công viên việc làm thu nhỏ. Tại đây, bé Hà My đã có trải nghiệm thật thú vị với nghề bác sĩ nha khoa, y như đang ở trong một phòng khám với các y tá và bệnh nhân nhí.
Anh Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ thanh thiếu nhi (Cung Thiếu nhi Hà Nội), cho hay: “Nếu chờ đến khi các em học cuối bậc THCS, THPT mới hướng nghiệp thì e rằng đã muộn. Công viên việc làm thu nhỏ là mô hình khép kín, trong đó có khoảng 20 ngành nghề được chia theo từng khu vực. Trong các khu nghề này, các em vừa học, vừa tự tay làm các công việc với những kỹ năng đơn giản mà hằng ngày người lớn vẫn thực hiện trong một không gian tương đối giống thật”. Chẳng hạn, khu bệnh viện với nghề bác sĩ đa khoa, y tá chăm sóc trẻ sơ sinh, bác sĩ nha khoa có thể giúp các em nhỏ xây dựng thói quen quan tâm, chăm sóc đến sức khỏe cho bản thân và mọi người xung quanh, giúp hình thành nhân cách và biết yêu thương mọi người. Còn đến với khu nhà hàng, các em được thử sức với nghề làm bánh, pha chế đồ uống, phục vụ bàn, làm xúc xích…, từ đó phát huy sự khéo léo và tính kiên nhẫn. Khu xây dựng, quân sự, cứu hỏa… giúp các em biết cách làm việc theo nhóm, rèn luyện sự dũng cảm, biết giúp đỡ người trong hoạn nạn…
Dạy trẻ biết yêu lao động
Không chỉ các bậc phụ huynh mà ngay cả ban tổ chức cũng khá bất ngờ trước sự lựa chọn nghề nghiệp của các em. Ai cũng nghĩ những nghề “hot” như: MC truyền hình, ca sĩ, bác sĩ sẽ thu hút đông các em tham gia, thế nhưng ở khu nghề nông, thợ gốm, nhân viên cứu hỏa, tạo mẫu tóc… lại có nhiều em nhỏ xếp hàng chờ “thử việc”.
Theo chị Nguyễn Phương Hoa, Phó giám đốc Công ty Rồng Vin, nếu cho trẻ sớm làm quen và thực hành những nghề nghiệp khác nhau cũng như tiếp xúc với các công cụ đặc trưng từng ngành nghề, rồi tự làm thử các công việc mà trẻ mơ ước trong tương lai, trẻ sẽ tìm ra được nghề nào hứng thú và phù hợp với mình. Từ đó lòng yêu nghề sẽ dần dần hình thành, giúp trẻ nỗ lực phấn đấu và xây dựng mơ ước sau này. Khi được khám phá sở thích và đam mê, sau này trẻ càng có khả năng lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn.
Thú vị nhất là khi hoàn thành công việc tại Công viên việc làm thu nhỏ, ngoài được mang thành quả lao động về làm kỷ niệm, các em còn được lĩnh lương. Tiền công lao động được quy đổi ra những món quà có ích dành cho các em chuẩn bị bước vào năm học mới như: hộp bút, sách vở, ba lô… Điều này giúp các em không những biết giá trị sức lao động và trân trọng thành quả lao động, mà còn biết sử dụng đồng tiền một cách hữu ích.
Anh Nguyễn Văn Sinh, một phụ huynh ở Q.Cầu Giấy, Hà Nội bộc bạch: “Trước đây, cậu con cưng 7 tuổi lúc nào cũng ỷ lại bố mẹ làm mọi việc. Vậy mà chỉ sau một buổi “đi làm” phục vụ bàn, làm bánh, cu cậu đã có những tiến bộ đáng kể. Về nhà cu cậu hăng hái thực hành rót nước mời bố mẹ, chăm sóc cây cảnh… khiến chúng tôi rất cảm động”.