Các thể bệnh tim có mức độ nghiêm trọng khác nhau nhưng mọi thể bệnh tim đều cần được hưởng sự chăm sóc đặc biệt trong khi có thai. Những giải thích sau đây có thể giúp giảm bớt những thiệt hại cho phụ nữ có bệnh tim khi có thai, khi chuyển dạ và khi đẻ.
Thai nghén ảnh hưởng đến tim như thế nào?
Thai nghén làm cho tim và tuần hoàn máu phải làm việc nhiều hơn. Khi mang thai, thể tích máu tăng thêm khoảng 40-50% để nuôi dưỡng thai, giúp cho thai phát triển. Cung lượng máu do tim đẩy ra mỗi phút cũng tăng lên khoảng 30-50%, nhịp tim do đó cũng phải tăng theo. Mọi thay đổi đó làm cho tim phải làm việc vất vả hơn. Lẽ tất nhiên khi chuyển dạ và khi đẻ gánh nặng cho tim lại càng tăng lên nữa. Khi chuyển dạ, đặc biệt là khi người mẹ rặn để sinh con, lưu lượng và áp lực máu tăng lên rất nhanh. Sau khi sinh con, lưu lượng máu đi tới tử cung giảm đi cũng lại làm tăng thêm gánh nặng cho tim và có thể gây ra biến chứng.
Có thể có những nguy cơ gì?
Phụ thuộc vào thể bệnh tim và mức độ nghiêm trọng. Nếu là bệnh tim thực sự thì tăng nguy cơ thai chết trong chuyển dạ, sảy thai và đẻ non. Suy tim do ứ huyết cũng cần quan tâm khi thể tích máu tăng… Bệnh tim gây ra các biến chứng khác nhau? Một số bệnh tim có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và thai cho nên cần được thầy thuốc theo dõi ngay từ khi bắt đầu có thai. Ví dụ: Cao huyết áp nghiêm trọng ở động mạch phổi, nếu nguy cơ xem ra quá lớn thì tốt nhất là tránh có thai – Hẹp van 2 lá nghiêm trọng…
Thuốc điều trị nên như thế nào?
Mọi thứ thuốc dùng khi có thai đều có thể ảnh hưởng đến thai tuy nhiên lợi ích thường nhiều hơn là nguy cơ. Cần dùng thuốc theo đúng chỉ định; không tự ý ngừng hay thay đổi liều lượng.
Cần làm gì để chuẩn bị thai nghén?
Cần gặp thầy thuốc ngay từ khi chưa có thai để đánh giá tình trạng sức khoẻ , xem xét có cần thiết phải điều trị gì trước khi có thai. Cũng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc chuyên gia tim mạch và cả thầy thuốc sản khoa để tìm hiểu thêm về mối liên quan giữa mẹ và thai.
Cần làm gì để phòng ngừa biến chứng?
Chăm sóc tốt chính bản thân người mẹ đã là cách tốt nhất để chăm sóc thai. Khám thai thường xuyên, không hút thuốc lá, không uống rượu, không dùng thuốc ngoài chỉ định của thầy thuốc.
Để giảm sự căng thẳng của thai nghén đến tim, cần thực hiện:
- Nghỉ ngơi nhiều: đối với một số bệnh tim thì nằm nghỉ tại giường là tốt nhất.
- Ăn uống lành mạnh: không để tăng cân, làm cho tim phải làm việc nhiều hơn.
- Tránh những lo phiền: sống thoải mái, không lo nghĩ tốt cho sức khoẻ.
- Đề phòng sự tạo thành cục máu: máu cục bong có thể gây tắc mạch ở não, tim…
- Đề phòng nhiễm khuẩn: tránh tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị cảm cúm…
- Tránh bị nóng: Nóng làm cho các mạch máu dãn ra, giảm bớt máu đi đến tử cung.
Những dấu hiệu và triệu chứng gì cần báo cho thầy thuốc?
Tất cả những gì cảm thấy khác thường, đặc biệt là: Khó thở; phù nề; tăng cân nhanh; trống ngực, tim đập nhanh hay không đều; chóng mặt; cơn đau thắt ngực; mệt khác thường hay có cảm giác yếu ốm.
Chuyển dạ và sinh đẻ sẽ như thế nào?
Cần đến bệnh viện phụ sản nơi có trình độ kỹ thuật cao về xử trí khi sinh đẻ và chăm sóc sơ sinh.
Có nên cho con bú mẹ không?
Cho con bú mẹ không làm cho tim mệt hơn mà thực ra nên khuyến khích cho hầu hết các bà mẹ có bệnh tim – kể cả những người phải dùng thuốc. Thầy thuốc sẽ quyết định nên cho bú ở mức độ phù hợp như thế nào.
Vài thập niên trước đây, việc sinh đẻ được xem là có nhiều nguy cơ cho những bà mẹ có bệnh tim. Ngày nay nhờ những tiến bộ về điều trị bệnh tim và những phương pháp chăm sóc đặc biệt cho những thai nghén có nguy cơ cao nên thai nghén, sinh đẻ và cho con bú với phụ nữ bị bệnh tim đã trở thành điều có thể chấp nhận.
BS. Đào Xuân Dũng