Trí tưởng tượng của bé vô cùng phong phú. Bé nào cũng có những câu chuyện, lời nói ngộ nghĩnh chính người lớn không thể nghĩ ra. Đây là cách tốt nhất để luyện tập cho trí não của bé.
Tại sao nên khuyến khích bé tưởng tượng
Không ít bố mẹ đã đặt ra câu hỏi này. Câu trả lời thật đơn giản. Trẻ ở tuổi mẫu giáo bắt đầu có năng lực suy nghĩ trừu tượng và có thể tạo ra những thế giới tưởng tượng bất ngờ. Kỹ năng ngôn ngữ của chúng ta phát triển hơn nên chúng có thể diễn đạt tốt hơn suy nghĩ của mình.
Trò tưởng tượng giúp trẻ nâng cao sức sáng tạo của mình và thậm chí khuyến khích lối suy nghĩ có khoa học. Ví dụ khi chơi xây lâu đài, trẻ có thể đối mặt với những rắc rối và đi đến giải pháp. Chơi tưởng tượng với bạn bè dạy cách trẻ thảo luận và làm việc cùng nhau. Đây là cách tốt nhất để luyện tập cho não trẻ sau này.
Chị Hiền Chi – mẹ bé Mi ở Lĩnh Nam (Hà Nội) – cho biết: “Con gái tôi hồi trước vẫn sợ bác sỹ. Tôi sẵn sàng đóng vai bé bị đau răng, nhờ bác sỹ khám hộ. Bé rất thích và cảm thấy hào hứng lắm. Tôi giảng giải cho con nghe đi bác sỹ không phải là chuyện gì quá đáng sợ. Nhờ có bác sỹ, cả nhà được khỏe mạnh. Cháu thích lắm và không còn sợ bác sỹ nữa”.
Theo tự nhiên, bạn sẽ là người đầu tiên con bạn bắt chước. Sau đó bé mới đóng những vai khác trong thế giới của người trưởng thành như bác sỹ, cầu thủ, giáo viên… Và hiển nhiên, không phải tất cả mọi sự tưởng tượng đều dựa trên thực tế.
Trẻ ở tuổi mẫu giáo bị thu hút bởi những nhân vật như siêu anh hùng, công chúa bởi những nhân vật ấy có sức mạnh, tài giỏi và phép thuật. Ngoài ra, những người bạn ảo cũng có vai trò như một người phát ngôn để con bạn nói lên những điều mà trong những trường hợp khác bé có thể cần thời gian để chấp nhận. Bố mẹ cũng nên hướng dẫn sự tưởng tượng của con sao cho được đa dạng, phong phú.
Phát triển trí tưởng tượng cho bé
Theo mẹ Bông Meo trên diễn đàn Web Trẻ thơ, bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc nhiều với truyện tranh hội họa, các cảnh làng quê, đi thăm các danh lam thắng cảnh, các con thú lạ, xem 1 số chương trình tivi, những bộ phim hoạt hình có tính chọn lọc, giúp trẻ mở mang, hiểu biết, làm giàu thêm ý tưởng thì óc tưởng tượng cũng sẽ được mở mang thêm.
Khi bé được 2 tuổi, biết nói, óc tưởng tượng cũng trở nên phong phú hơn. Khi bé 4 tuổi, bố mẹ hãy cho bé chơi thật nhiều đồ chơi, đọc sách cho bé làm nâng cao khả năng tưởng tượng của con
Hãy kể cho trẻ nghe những câu chuyện cổ tích, thần thoại những câu chuyện đầy hứng thú, giàu óc tưởng tượng. Bố mẹ hoàn toàn có thể hỏi bé những câu như là: theo con thì con thỏ có lấy lại được nhà của con cáo không? Hoàng tử có lấy công chúa không?
Đừng quên khích lệ, động viên trẻ kể lại. Luôn động viên, khen ngợi con khi con có những ý tưởng mới cho câu chuyện. Không nên trách phạt hoặc nặng lời nếu con có những ý tưởng hơi kỳ cục. Hãy kiên nhẫn kể lại và hỏi lại ý tưởng của con.
Bố mẹ có thể tự sáng tác ra những bài thơ gần gũi với con người và đồ vật xung quanh bé. Điều đó vừa dạy dỗ con và tạo cho con biết óc tưởng tưởng phải như thế nào. Ví dụ:
Em Bông nho nhỏ
Học lớp 1 B
Hôm nay học về
Vừa đi vừa hát
Thấy năm đồng bạc
Của ai đánh rơi
Bông nhặt lên rồi
Đem trình cô giáo
Tươi cười cô bảo
Đáng khen em Bông
Thấy của không tham
Cho Mười điểm tốt.
Bố mẹ cần động viên khuyến khích các hoạt động của bé. Đừng cấm đoán hay can thiệp thô bạo cho rằng đó là những suy nghĩ viển vông, vớ vẩn, vô tích sự… Hãy cho bé khả năng tự học, nâng cao khả năng sáng tạo.