Ngày 28-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức hội thảo lấy ý kiến về việc Đầu tư xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em.
Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm ủy ban, cho biết đến nay, quy hoạch tổng thể cả nước về cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em vẫn chưa có để trình Thủ tướng. Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em Việt Nam giai đoạn 2001-2010 đặt mục tiêu đến năm 2010 có 100% số xã, phường có cơ sở văn hóa, vui chơi cho trẻ em với 50% trong số đó đạt tiêu chuẩn. Nhưng sau 10 năm mục tiêu trên vẫn chưa đạt được.
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP Hà Nội, nguyên do là chúng ta chưa thực sự chú ý đến việc chơi của trẻ em, thiếu chủ trương chính sách, mục tiêu và thiếu sự phân công rõ ràng. Ngoài ra, trẻ em đang gặp bốn vấn đề là không có thời gian để chơi, không có chỗ chơi, không có đồ chơi và không có người hướng dẫn chơi. “Chúng tôi đến thăm một số nhà mẫu giáo, nhất là ở thôn quê mới thấy các cháu rất thiếu đồ chơi. Đồ chơi có được là do các cô tự mày mò chế tạo. Chúng tôi kiến nghị cần phải có đánh giá hiện trạng sản xuất đồ chơi cho trẻ em, dành quỹ đất để đầu tư cơ sở vật chất cho trẻ…” – ông Toàn nêu ý kiến. Theo thống kê của ủy ban, Hà Nội có 10 nhà thiếu nhi quận, huyện nhưng ông Toàn cho rằng nhiều nơi trước đây đã có nhà thiếu nhi nhưng hiện không còn nữa như quận Hoàn Kiếm, huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thạch Thất, Mỹ Đức.
Bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP.HCM, cho biết đợt tham vấn ý kiến nhân dân TP về vấn đề này tại TP cũng lộ rõ nhiều bất cập như việc quy hoạch, dành quỹ đất cho cơ sở văn hóa, vui chơi của trẻ em còn chưa được quan tâm. Có nơi đầu tư xây dựng được cơ sở nhưng không có người quản lý, để hoang hóa, hoặc có cơ sở nhưng chỉ để trẻ em vào chơi các ngày lễ, tết, nghỉ hè. Tuy nhiên, đặc biệt có mô hình khu vui chơi thiếu nhi Khánh Hội (quận 4) rất hay, có thể nhân rộng toàn TP. Quận đã dành được một quỹ đất khá lớn với trên 3.000 m2 giao cho lực lượng dịch vụ công ích đầu tư, quản lý. Đây là khu vui chơi rất gần gũi với thanh thiếu niên, có người hướng dẫn và quản lý, điều mà không phải cơ sở công lập nào cũng làm được.
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về vấn đề trên của ủy ban nhận định: Hiện quy hoạch tổng thể về phát triển các cơ sở văn hóa, vui chơi, giải trí cho trẻ em vẫn chưa được xây dựng mà chủ yếu lồng ghép trong quy hoạch các thiết chế văn hóa, cơ sở văn hóa, vui chơi dành chung cho cộng đồng; rất hiếm tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tỉ lệ ngân sách hằng năm đầu tư cho lĩnh vực này; việc đầu tư chủ yếu tập trung ở các thành phố, thị xã, trung tâm của một số quận, huyện; chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực này còn thiếu tính khả thi, hiệu quả thu hút đầu tư thấp.