Đằng sau vẻ đẹp của một thiên đường du lịch, Sa Pa có cả những đứa trẻ hằng ngày nhọc nhằn với cuộc sống mưu sinh. Con đường đến trường của các em dường như quá khó khăn.
Ít có một thị trấn du lịch nào lại sầm uất như Sapa. Cả thị trấn có tới gần 150 khách sạn, nhà nghỉ, hàng trăm nhà hàng và đầy đủ các dịch vụ phục vụ khách du lịch. Không chỉ có người dân địa phương mà người dân các nơi khác cũng đổ xô về Sa Pa kiếm sống.
Có hàng trăm phương thức mưu sinh ở phố du lịch này. Thế nhưng đất chật, người đông, kiếm sống ở đây không phải chuyện giản đơn, ngay cả việc bán những chiếc váy, mũ hay một món đồ lưu niệm ngày càng trở nên khó khăn vì ít khách mua. Trong số những người bán hàng, lũ trẻ có vẻ dễ làm ăn hơn cả, vì người mua hàng ít “cảnh giác” với trẻ con, ngoài ra, khi không bán được hàng, chúng còn khả năng “đeo bám” rất bền bỉ.
Không ít khách du lịch ngạc nhiên khi vừa giơ máy ảnh định chụp lũ trẻ người dân tộc thiểu số ở đây thì nhận được câu “đe”: “Chụp ảnh phải cho tiền đấy”, nếu không chúng sẽ che mặt và quay đi.
Không chỉ có vậy, lũ trẻ còn lẽo đẽo theo sau những vị khách từ xa và cuộc bám đuổi chỉ chấm dứt khi khách đồng ý mua một món đồ thổ cẩm hay cho chúng mấy nghìn đồng. Ở đây, cái gì cũng được bọn trẻ quy ra tiền, kể cả việc hỏi đường.
Tại huyện Sa Pa, “đồng hành” cùng việc trẻ em kiếm tiền từ du lịch là thất học. Tỉ lệ học sinh đến lớp, học sinh chuyên cần của Sa Pa luôn thấp hơn các địa phương khác trong tỉnh, đặc biệt là sau các ngày lễ, tết, tỉ lệ này thường chỉ đạt được 60 đến 70%.
Hạng A Tung, xã San Xả Hồ, huyện Sa Pa, đã 10 tuổi nhưng trông em chỉ như đứa trẻ mới học lớp 2. Ngày nào cũng vậy, Tung thức dậy lúc 4h, cầm đèn pin theo bố tìm lấy phong lan rừng về trung tâm huyện bán. Tung chỉ được học hết lớp 3, con chữ với em cứ rơi rụng dần. Bố Tung, anh Hạng A Sung cho biết: “Do gia đình nghèo lắm nên phải đi kiếm tiền thôi!”.
Lẫn trong đám trẻ bán đồ lưu niệm trên núi Hàm Rồng, Lia không biết mình bao nhiêu tuổi. Thậm chí, cô bé khoảng 10 tuổi có mái tóc vàng hoe, đôi mắt xanh ngắt như cây rừng đó còn không biết bố mình là ai? Lia cũng chưa một buổi tới lớp học mặc dù trường cách nhà em không xa. Kí ức của em về lớp học chỉ là một số lần đứng nhìn lén cô giáo giảng bài qua cửa sổ ngoài lớp học. Em tâm sự: “Cũng muốn được đi học lắm, nhưng quen với việc đi bán hàng kiếm tiền rồi!”.
Lia chỉ là một trong số nhiều đứa trẻ ở đây mang trong mình hai dòng máu Á – Âu, kết quả của một thời du lịch cởi mở. Khách nước ngoài đến và đi, họ kịp để lại cho những người phụ nữ nơi đây những đứa trẻ. Chúng lớn lên và chưa một lần được nhìn thấy bố.
Đêm Sa Pa vẫn tấp nập khách. Nhưng không khí có phần lặng lẽ và tĩnh mịch hơn ban ngày, khách du lịch thoải mái hơn ở ngoài phố vì họ không bị lũ trẻ làm phiền nữa. Có lẽ, chúng dành một đêm nghỉ ngơi để sáng sớm mai lại bắt đầu một cuộc mưu sinh không cần bóng dáng của con chữ.