Bất kỳ độ tuổi nào cũng đều có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường hay còn gọi là tiểu đường. Với trẻ em bị béo phì, nguy cơ mắc bệnh rất cao và thường khi phát hiện, bệnh nhân đã chuyển sang type 2.
Phạm Thị Vy là một trong những bệnh nhi mắc bệnh đái tháo đường type 2 đang được điều trị tại khoa Thận – nội tiết – bệnh viện Nhi đồng 1 – TPHCM. Đây là trường hợp mắc bệnh do béo phì. Vy mới 13 tuổi nhưng cân nặng gần 60kg. Mẹ của em rất bất ngờ khi nhận được kết quả.
Chị Trần Thị Liễu – mẹ bệnh nhi đái tháo đường, cho biết: “Triệu chứng ban đầu của cháu là uống nước nhiều, đi tiểu nhiều, khi khám bác sĩ và xét nghiệm bị tiểu đường. Do lượng đường rất cao nên cần ở lại bệnh viện điều trị. Gia đình rất lo lắng vì cháu còn đi học.”
Hiện nay bệnh viện Nhi đồng 1 đang điều trị 74 bệnh nhi bị bệnh đái tháo đường. Từ đầu năm đến nay bệnh viện tiếp nhận 14 trường hợp trẻ em bị đái tháo đường, trong đó 2 bệnh nhi đã chuyển sang type 2.
Biểu hiện ban đầu ở trẻ em và người lớn đều giống nhau: uống nhiều, tiểu nhiều, sụt cân, cảm giác đói bụng, đôi khi là những triệu chứng khác như mệt mỏi, học lực sa sút, giảm sự tập trung.
Trẻ em lứa tuổi từ 6 -12 có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường rất cao.
Bác sĩ Nguyễn Phương Khanh – Khoa Thận, Nội tiết bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết: “Tiểu đường trẻ em thường là tiểu đường type 1 do thiếu insulin trong cơ thể nên phần lớn sử dụng 1 loại insulin bên ngoài đưa vào cơ thể. Còn bé mắc bệnh đái tháo đường type 2 thì dùng thuốc như người lớn”.
Các bác sĩ khuyến cáo, bố mẹ cần quan tâm nhiều hơn đến vấn đề dinh dưỡng và việc tập thể dục của trẻ. Một khi trẻ có nguy cơ béo phì thì nên đến bác sĩ để kiểm tra các triệu chứng của bệnh đái tháo đường, nếu không sẽ dẫn đến những biến chứng khó lường.