Giảm cân trong quá trình mang thai luôn là một cuộc đấu tranh thật sự đối với nhiều phụ nữ làm bà mẹ lần đầu, tuy nhiên, nếu giành chiến thắng thì nó sẽ giúp các bà mẹ giảm được các nguy cơ biến chứng, đặc biệt là tiền sản giật.
Đó chính là kết luận của các nhà khoa học Mỹ đăng trên tạp chí Obstetrics and Gynecology số ra tháng Chín.
Tiến sỹ Dorothea Mostello thuộc Trường Y khoa St. Louis, tác giả công trình nghiên cứu, nói rằng tiền sản giật là bệnh nhiễm độc thai thường gặp, chiếm tỷ lệ khoảng 5% số phụ nữ mang thai ở Mỹ, phần lớn xảy ra trong thời kỳ mang thai đầu tiên.
Bệnh có biểu hiện đặc trưng là cao huyết áp, phù mặt, tay và nước tiểu nhiều chất đạm. Tiền sản giật có thể khiến người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu (máu chảy không cầm được hay co giật khi chuyển dạ); làm thai nhi chậm phát triển, suy thai, thậm chí chết trong tử cung. Tiền sản giật không được điều trị có thể dẫn đến biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần cho mẹ hoặc tử vong.
Đội ngũ nghiên cứu của tiến sỹ Mostello đã phân tích các hồ sơ y tế của gần 18.000 phụ nữ ở bang Missouri – những người đã sinh con hai lần trong khoảng thời gian từ 1989-2005 và có triệu chứng tiền sản giật khi mang thai lần đầu.
Trước khi mang thai lần hai, có 1.417 phụ nữ có trọng lượng giảm so với lần đầu, 8.783 giữ nguyên trọng lượng và 8.798 phụ nữ bị tăng cân. Nhóm phụ nữ duy trì nguyên trọng lượng được sử dụng làm nhóm kiểm soát.
Kết quả cho thấy có khoảng 16% số phụ nữ bị tiền sản giật trong quá trình mang thai lần thứ hai. Đối với những phụ nữ giảm cân giữa các lần mang thai thì có 13% bị tiền sản giật, trong khi đó nguy cơ ở nhóm duy trì trọng lượng là 15% và ở nhóm tăng cân là 19%.
Tiến sỹ Mostello phát biểu rằng những thay đổi nhỏ về trọng lượng cơ thể bà mẹ giữa những lần mang thai có thể làm giảm nguy cơ bị tiền sản giật. Trung bình lượng cân cần giảm khoảng từ 5-7kg.