Đã có rất nhiều bài báo nói về tác hại của game online. Nghiên cứu cho thấy, “hình mẫu” của các em học sinh hầu hết là trong các trò chơi game, trong khi đó có tới 77% trò chơi là đánh nhau, giết người…
Tác hại khó lường
Người từng đứng đầu ngành giáo dục – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, thời gian qua, nạn bạo lực học đường mà điển hình là một số học sinh đánh nhau gây xôn xao dư luận có việc “bắt chước” các… hình mẫu. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy “hình mẫu” của các em hầu hết đều trong các trò chơi game.
Mới đây nhất, cũng vì tính phức tạp của game online, TP HCM đã tiến hành điều tra tác hại của game online. Ở Hà Nội, Sở Thông tin Truyền thông cũng đã cho đóng cửa các điểm game online gần trường học.
“Chúng tôi đã cho kiểm tra và thấy, 77% trò chơi game hiện nay là đánh nhau, giết người, 9% là cờ bạc, chỉ 14% là có yếu tố tích cực”, Phó Thủ tướng cho biết thêm một số liệu đáng giật mình!
Bức xúc đến độ, nạn “game đen” đã nhiều lần được đưa lên bàn nghị sự trong các cuộc họp Quốc hội. Bộ trưởng Thông tin Truyền thông Lê Doãn Hợp nhận định: “Tác hại của game online không kém ma túy”. Còn đại biểu Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Việc quản lý game online tôi thấy hiệu quả rất thấp, cử tri nói rằng tác hại của nó không kém ma túy. Thậm chí có người nói với tôi muốn xin cho con trai ra hải đảo xa xôi, không có Internet để tránh “nghiện” game”.
Tiến sĩ Trần Thu Hương – giảng viên Khoa Tâm lý học trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết: Theo một nghiên cứu mới đây của các nhà chuyên môn, các bạn trẻ, nhất là trẻ em một khi vô tình đã “nghiện” game online, khí chất các em sẽ dễ trở nên hung hăng hơn, thường tỏ ra dễ dàng xung đột với người lớn và học hành tụt hậu. Những đứa trẻ thích đâm chém trong những game online thường có xu hướng chọc ghẹo, quậy phá bạn bè. Chúng thường hay cáu gắt và tâm thần không ổn định, có lẽ do những trẻ này vẫn thường phải chịu đựng một cảm giác trái ngược bên trong giữa cái tôi thực tế và cái tôi ảo, do hãy còn quá nhỏ, chúng cũng chưa thể khẳng định được cái tôi thực là như thế nào.
Chúng tôi đã từng thử đến một điểm dịch vụ Internet ở khu vực Đội Cấn – Ba Đình. Với diện tích khoảng 30m2, được chủ nhân cho lắp đặt trên 30 dàn máy vi tính. Quá 12h đêm, các game thủ vẫn chưa chịu rời màn hình để đi về. Chính những người “nghiện” game online thừa nhận, lúc đầu các em chỉ lên mạng chơi, nhưng thấy quá hấp dẫn, muốn khám phá, rồi thử… và “nghiện” lúc nào chẳng hay.
Kéo trẻ ra khỏi game online bằng vận động
Bài toán kéo trẻ ra khỏi game online đã làm đau đầu các bậc quản lý và các bậc phụ huynh. Cái chúng ta cần bây giờ là tạo các sân chơi lành mạnh và cuốn hút, để khiến thanh thiếu niên xa dần với game. Như ở Mỹ chẳng hạn, nếu chọn giữa đi chơi dã ngoại, thể thao với chơi game, đa số vẫn chọn các hoạt động ngoài trời.
Tiến sĩ Trần Thu Hương cho biết: Nhà trường và gia đình là 2 yếu tố quan trọng nhất đối với các em học sinh. Vậy các quy định về giờ giấc học tập, các hoạt động ngoại khoá (rất cần thiết để các em được giải trí lành mạnh) cần được phối hợp chặt chẽ hơn. Chúng ta cần tìm phương thức học tập xen kẽ với giải trí như thế nào là tốt nhất? Trẻ bị mê hoặc bởi game online một phần do thiếu các trò chơi mang tính vận động thú vị.
Chính vì thế, cần mở mang nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, kiến thức trong các khu vui chơi, các cuộc thi thực sự hấp dẫn để các em có thể tham gia và thể hiện mình. Việc chăm sóc của các bậc cha mẹ, nhà trường tới con em mình cũng rất quan trọng, bởi nhiều bậc cha mẹ chỉ lo làm việc kiếm tiền mà ít đi sự quan tâm tới con cái. Vì vậy, cần khuyến khích trẻ vào các trò chơi vận động sẽ giúp trẻ em khỏe mạnh về thể lực và hoàn thiện kỹ năng sống, thiết lập những mối quan hệ tốt với bên ngoài. Nên cho trẻ chơi những trò chơi có tính chất “động” để khi chơi sẽ kích thích trẻ kết hợp nhiều động tác khác nhau như: đi, chạy, nhảy, ném… giúp trẻ tăng cường sự vận động của cơ thể, thích vui đùa và hòa đồng với môi trường bên ngoài.
Có tình trạng ở các gia đình thành thị, hầu hết các bé phải ở nhà tự giải trí bằng cách xem TV hay chơi game cả ngày. Các bậc cha mẹ lại một lần nữa lo lắng vì khó lòng kiểm soát được thời gian các bé dành cho TV, máy tính, thậm chí không biết những nội dung đó có phù hợp và bổ ích với các bé hay không.
Chị Nhung (Cầu Giấy – Hà Nội) cho hay: “Nhiều lúc muốn lôi con ra khỏi cái tivi nhưng cũng chịu, không biết đưa con đi đâu chơi. Cả tuần đi làm toàn để con ở trong nhà với người giúp việc, cuối tuần tôi rất muốn tìm một nơi để con có thể được vui chơi, mình thì được nghỉ ngơi, nhưng bây giờ ở Hà Nội, dù có tiền cũng chưa chắc tìm được nơi như vậy”.
Tiến sĩ Thu Hương cũng gợi ý thêm, để có thể kéo trẻ ra khỏi game online, các bậc cha mẹ cần nỗ lực tạo lập những trò chơi để khơi dậy tính lanh lợi vốn có ở trẻ. Cần tích cực tiếp xúc và trò chuyện, trao đổi với trẻ. Tập cho trẻ thói quen xem sách báo. Đây là cách giải trí bổ ích cho trẻ sau những giờ học tập căng thẳng ở trường, hơn thế nữa còn khơi dậy khả năng tư duy ở trẻ theo chiều hướng tích cực. Một điều quan trọng hơn cả là cần mở rộng không gian sống cho trẻ bằng cách đưa trẻ đến với thiên nhiên trong lành như vườn thú, vườn bách thảo, khu vực sinh thái, về nông thôn…
Cách làm này được áp dụng rất hiệu quả trong chương trình giáo dục ở các nước tiên tiến. Trẻ được tự do tìm hiểu và khám phá thế giới trong một không gian thiên nhiên thoáng đãng, kỳ thú. Được trải nghiệm trong một không gian mới lạ và bổ ích như vậy, dần dần trẻ sẽ tự nhận thấy rõ ràng điều này thú vị hơn game online rất nhiều. Tuy nhiên, đáng tiếc là tại các nhà trường ở Việt Nam, việc triển khai các chương trình học tập kết hợp dã ngoại này còn chưa nhiều, cần tích cực đẩy mạnh hơn.