Thời tiết chuyển sang mùa thu cũng là bắt đầu những điều kiện thuận lợi cho virut cúm hoạt động mạnh. Thông tin về sự trở lại của virut cúm A/H1N1 khiến nhiều người quan tâm, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như trẻ em, người bệnh mạn tính, người cao tuổi. Vậy để đối phó tốt nhất với căn bệnh này, chúng ta cần phải làm gì khi vào “mùa” cúm?
Căn bệnh có khả năng lây lan cao nhất
Virut cúm influenza thuộc nhóm Orthomyxoviridae và được chia thành 3 týp A,B,C. Trong đó quan trọng nhất vẫn là virut cúm týp A có khả năng gây các vụ dịch lớn thậm chí đại dịch. Tùy theo sự biến đổi kháng nguyên H và N của vỏ virut týp A mà có các chủng gây bệnh cúm khác nhau như H5N1, H1N1, H3N2…
Những năm gần đây, cúm do các chủng H5N1 và H1N1 được đặc biệt quan tâm, tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng từ rất lâu, bệnh cúm mùa đã luôn là một bệnh gây nhiều tổn thất về sức khoẻ, kinh tế và bức xúc cho xã hội vì cúm được lây qua đường hô hấp với hơn 90% những người chưa có miễn dịch có khả năng cảm nhiễm với cúm. Chủng cúm lại luôn biến đổi càng làm tăng số người mắc hằng năm. Người ta có thể bị phơi nhiễm cúm khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh 1-2 ngày trước khi bệnh khởi phát cho đến 3-5 ngày khi phát bệnh cho nên các biện pháp phòng bệnh rất khó khăn. Do số người mắc lớn, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi nên chi phí về nhân công chăm sóc người bệnh, chi phí điều trị là rất lớn và trở thành gánh nặng cho xã hội về kinh tế và dân sinh.
Trẻ em dễ bị bệnh cúm tấn công.
Mặc dù cúm mùa thường chỉ có diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi trong vòng một tuần với các biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho, song cúm lại có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ em, người cao tuổi, người có các bệnh mạn tính… Hằng năm trên thế giới có khoảng trên dưới nửa triệu người thuộc các đối tượng nguy cơ cao tử vong do cúm.
Trẻ em dễ cảm nhiễm với cúm và cũng là nguồn phát tán virut cúm trong cộng đồng đặc biệt ở lứa tuổi mẫu giáo và tiểu học. Nhiều nghiên cứu cho thấy trong mùa dịch cúm, khi tỷ lệ mắc ở người lớn vào khoảng 5-10% thì tỷ lệ mắc ở trẻ em là 20-30%.
Trẻ em bị cúm dễ có những biến chứng nặng như: viêm phế quản, viêm phổi, làm nặng thêm tình trạng bệnh hen sẵn có, rối loạn tiêu hóa, co giật do sốt cao, viêm não dẫn tới tử vong, đặc biệt là ở trẻ dưới 2 tuổi… Hằng năm, có đến 3-5% số trẻ em bị nhiễm cúm có biến chứng viêm tai giữa. Một số theo dõi ở các nước cho thấy lượng kháng sinh dùng cho trẻ trong mùa cúm tăng hẳn 30% so với các tháng khác.
“Cậy nhờ” vào vaccin cúm?
Với việc tiêm vaccin phòng cúm cho những người mắc bệnh tim mạch có thể giúp làm giảm 67% nguy cơ bị nhồi máu cơ tim tái phát; giảm 55% nguy cơ nhồi máu não; giảm 54% nguy cơ đột qụy, cơn thiếu máu não thoáng qua; giảm 49% nguy cơ bị ngưng tim tiên phát.
Với các bệnh nhân hen phế quản và viêm phổi mạn, việc sử dụng vaccin giúp ngăn chặn tác nhân gây khởi phát các cơn hen cấp tính cả ở trẻ em và người lớn. Nhờ vậy tỉ lệ nhập viện trong mùa cúm của các đối tượng này giảm khoảng 50% so với những người không dùng vaccin.
Việc sử dụng vaccin cúm đã làm giảm rõ rệt tỉ lệ mắc bệnh, tỉ lệ biến chứng và tử vong do cúm ở người cao tuổi và trẻ em nên nhiều nước đã khuyến cáo hoặc đưa vào lịch tiêm chủng thường xuyên để tiêm vaccin phòng cúm cho các đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, đặc biệt từ 6 tháng đến 2 tuổi.
Vaccin phòng cúm an toàn và có hiệu lực bảo vệ rất cao đến 80-90%, tuy nhiên do thời gian bảo vệ ngắn, chỉ 1 năm và chủng cúm lại biến đổi hằng năm nên việc tiêm vaccin cho các đối tượng nguy cơ cần được tiêm nhắc hằng năm và theo đúng khuyến cáo của ngành y tế và của nhà sản xuất.
Ngoài biện pháp phòng chống cúm là tiêm vaccin, chúng ta cần phải sử dụng các biện pháp khác là giữ ấm cơ thể, đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, sử dụng thức ăn làm thông đường thở như: ớt, tỏi, hoa hồi, quế, gừng; ăn nhiều rau xanh. Một điều hết sức cần thiết là khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang và phải rửa tay, không đưa tay dụi mắt hay ngoáy mũi khi chưa rửa tay sạch. Chúng ta cố gắng giảm bớt tới mức tối đa đường vào của virut qua đường hô hấp hay tiếp xúc. Một điểm yếu tuyệt đối của virut là không thể tự tồn tại được mà phải gắn lên cơ thể sống, tế bào sống trong cơ thể người hoặc động vật, cho nên cố gắng không tạo điều kiện để virut biến cơ thể của chúng ta thành nơi để nhân lên, phát triển, phát tán và gây bệnh cho bản thân và cộng đồng.
Bệnh nhân mạn tính tăng nguy cơ tử vong trong mùa cúm
Bệnh cúm tác động lên hệ thống tim mạch thông qua nhiều cơ chế khác nhau như tác động tới đặc tính đông máu, làm giảm khả năng đề kháng, gia tăng sự xâm nhập của đại thực bào vào thành mạch máu. Ở những bệnh nhân có sẵn bệnh lý tim mạch, khi mắc cúm sẽ làm gia tăng tỷ lệ nhập viện, tăng các biến chứng về mạch vành và nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng tỷ lệ tử vong.
Các nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt là cúm đóng vai trò gây khởi phát các cơn hen cấp tính gây suy hô hấp với tỉ lệ rất cao, đặc biệt ở trẻ em và người cao tuổi có tiền sử bị hen phế quản và bệnh phổi mạn tính.
Người bị bệnh đái tháo đường cũng dễ mắc bệnh cúm hơn do sức kháng khuẩn giảm sút vì rối loạn chức năng miễn dịch, chuyển hóa, nội tiết. Bệnh cúm làm gia tăng những biến chứng và tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân này. Một số nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân đái tháo đường khi mắc thêm bệnh cúm sẽ làm tăng tỷ lệ nhập viện đến 6 lần so với người bình thường.
BSCKII. Nguyễn Quang Hùng