Đó là tiêu đề của bản báo cáo “Phân tích Tình hình trẻ em Việt Nam 2010” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) thực hiện và trình bày tại hội thảo được tổ chức sáng 31-8 tại Hà Nội.
“Phân tích Tình hình trẻ em Việt Nam 2010” là kết quả nghiên cứu của Unicef, được xây dựng với sự cộng tác chặt chẽ của Chính phủ Việt Nam. Báo cáo phân tích này đưa ra một bức tranh rất tích cực về trẻ em ở Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và các chính sách kinh tế – xã hội của đất nước đã dẫn đến những cải thiện to lớn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống trẻ em. Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể cho trẻ em trong một khoảng thời gian rất ngắn, với mức giảm tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và tỉ lệ nghèo đói chưa từng có. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều mục tiêu đề ra cho trẻ em chưa được thực hiện, đặc biệt là ở các lĩnh vực: vệ sinh, vệ sinh môi trường, dinh dưỡng, bảo vệ trẻ em, chất lượng và quản lý giáo dục… Một bộ phận trẻ em và người chưa thành niên ở Việt Nam vẫn phải sống trong điều kiện nghèo khổ và bị tách ra khỏi xã hội. Dân tộc thiểu số vẫn là những người nghèo nhất, được hưởng lợi ít nhất từ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Hội thảo Trình bày kết quả của tài liệu “Phân tích Tình hình trẻ em Việt Nam 2010”.
Thông điệp quan trọng nhất của báo cáo là kêu gọi giảm sự bất bình đẳng về khả năng tiếp cận các dịch vụ đối với trẻ em. Thực tế hiện nay, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ khuyết tật, trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV và AIDS, trẻ em gái vẫn phải chịu nhiều thiệt thòi do sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản nhất. Từ đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển khỏe mạnh của các em cũng như khả năng đóng góp của các em cho xã hội.
Theo ông Đặng Nam, Cục phó Cục Bảo vệ và Chăm sóc Trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, “Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam năm 2010” là một chương trình nghiên cứu tương đối toàn diện và rõ ràng về tình hình trẻ em tại Việt Nam. Tài liệu này sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách và chiến lược nhằm nâng cao phúc lợi của trẻ em tại Việt Nam. Đặc biệt, báo cáo sẽ đóng góp cho việc soạn thảo Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2010-2020, kế hoạch 5 năm phát triển ngành Lao động –Thương binh và Xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia mới về giảm nghèo.
Báo cáo phân tích nêu bật được một số vấn đề mới đang nảy sinh, cần được giải quyết, bao gồm: các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ trẻ em; sự thay đổi cấu trúc gia đình; phòng chống tai nạn thương tích, HIV và AIDS… “Đầu tư vào trẻ em không chỉ có nghĩa là thực hiện quyền của trẻ em, mà còn đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chúng tôi nghĩ rằng, chúng ta cần phải bắt đầu suy nghĩ về vấn đề nghèo đói ở trẻ em từ một góc độ mới. Chúng ta không nên tiếp tục coi nghèo đói ở trẻ em chỉ đơn thuần là việc trẻ em sống trong các gia đình nghèo về tiền tệ, mà nên coi đó là sự thiếu thốn ở một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, vui chơi giải trí, nước và nơi ở…”, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam phát biểu.
“Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai’ – điều này nhắc nhở tất cả chúng ta rằng, tương lai của Việt Nam tùy thuộc vào việc chúng ta đầu tư như thế nào vào trẻ em ngày hôm nay. UNICEF cùng với toàn thể đại gia đình Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ cho nỗ lực quan trọng này vì lợi ích của tất cả mọi trẻ em Việt Nam, hướng tới một Việt Nam vững mạnh hơn, tươi sáng hơn và khỏe mạnh hơn”, bà Lotta Sylwander, Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam khẳng định.