Khi Mio Honzawa bắt đầu bước vào lớp 5 từ tháng 4 năm sau, sách giáo khoa của cô bé sẽ dày hơn so với học sinh khóa trước. Báo động trước tình trạng trẻ em trong nước đang tụt hậu về mặt giáo dục so với các đối thủ như Hàn Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), Nhật Bản đã cân nhắc việc thêm khoảng 1.200 trang vào các cuốn sách giáo khoa tiểu học cơ sở.
Việc này đã làm dấy lên những tranh cãi về việc quay trở lại tình trạng học “nhồi nhét” sau 10 năm cải cách giáo dục.
Tăng trang, tăng kiến thức
Để đảo ngược tình hình Nhật Bản đang cân nhắc việc quay trở lại hoạt động giáo dục cơ bản sau 10 năm thí điểm “giáo dục không sức ép”, thông qua việc thêm nội dung vào các cuốn sách giáo khoa của học sinh tiểu học. Những cuốn sách này được học sinh theo học 6 năm tiểu học ở Nhật Bản sử dụng và bao gồm đủ mọi chủ đề. Hiện chúng có tổng số trang là 4.900 và sẽ tăng lên gần 6.100 trang sau khi thay đổi.
Học sinh tiểu học Nhật Bản sẽ được trang bị những cuốn sách giáo khoa dày hơn, tập trung nhiều vào kiến thức cơ bản hơn |
Trong đợt thay đổi này, các sách giáo khoa về toán và khoa học tự nhiên sẽ thêm trang nhiều nhất. Chúng sẽ có số trang lớn hơn tới 60% so với các cuốn sách được in hồi đầu thập kỷ. Các ý tưởng giáo dục mới được thêm vào sách giáo khoa lần này bao gồm việc học sinh lớp 5 phải học cách tính toán liên quan tới hình thang và học sinh lớp 6 sẽ phải học các vấn đề về điện.
Từ 1-2 giờ học cũng sẽ được thêm vào chương trình học mỗi tuần, tùy vào việc học sinh đang theo lớp mấy. Tiếng Anh sẽ được giới thiệu từ lớp 5 thay vì lớp 7 như trước kia. Giới quan sát cho biết học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cũng sẽ đối mặt với những thay đổi trong những năm tới.
Đã có những lo ngại việc sửa nội dung sách giáo khoa sẽ dẫn tới việc quay trở lại tình trạng “giáo dục nhồi nhét” vốn nhấn mạnh tới sự học vẹt và gây ra các kỳ thi đầu vào đại học hết sức căng thẳng. Cho tới nay, dù một số trường đại học Nhật Bản đã triển khai việc tuyển sinh thông qua việc đánh giá các bài luận của học sinh, rất nhiều trường vẫn tổ chức hàng loạt các cuộc thi hóc búa nhằm kiểm tra khả năng ghi nhớ thông tin của học sinh.
Kết quả tụt lùi sau quá trình cải cách
Nhằm phản ứng với các chỉ trích về tình trạng học vẹt, cách nay 10 năm bộ giáo dục Nhật đã mở chiến dịch giáo dục “không sức ép”. Mục tiêu là tăng cường kỹ năng ứng dụng kiến thức và sự thể hiện quan điểm cá nhân của học sinh, vốn được xem là điểm yếu trong hệ thống giáo dục với sức mạnh vốn chỉ tập trung vào việc giải toán và ghi nhớ các ký tự “kanji” phức tạp trong hệ chữ viết Nhật Bản.
Chương trình giảng dạy cũng được giảm bớt. Các lớp học nửa ngày vào thứ Bảy bị loại bỏ dần và giáo viên được yêu cầu phải dành từ 3 giờ mỗi tuần để thu thập kiến thức trả lời cho các câu hỏi do học sinh đưa ra như “tại sao một con chim đang ngủ không rơi khỏi chỗ đậu trên cành cây”.
Tuy nhiên kể từ khi cải cách giáo dục, điểm số PISA (Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế, dùng để đánh giá học lực của học sinh 15 tuổi trên toàn cầu) của Nhật Bản đã sụt giảm, khiến báo chí gọi đó là “cú sốc PISA”. Vị trí về toán học của Nhật Bản trong các bài kiểm tra PISA do do Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) tiến hành đã giảm từ vị trí số 1 vào năm 2000 xuống thứ 10 vào năm 2006. Vị trí về khoa học tự nhiên cũng tụt từ thứ 2 xuống thứ 6 trong khi vị trí đọc hiểu tiếng Anh giảm từ 8 xuống 15.
Sự sụt giảm gây hoang mang cho các nhà giáo dục bởi bài thi PISA được thiết kế để kiểm tra khả năng ứng dụng kiến thức vào các tình huống cuộc sống, một trong những mục tiêu chính của hoạt động cải cách giáo dục không sức ép.
Cần một cuộc đại phẫu giáo dục
Theo Eiichi Kajita, Chủ tịch Đại học Quốc tế Thái Bình Dương, nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng trên là do hệ thống giáo dục, bị ông gọi là “thất bại khổng lồ”. Ông cho rằng giáo dục đã trở tập trung quá nhiều vào đứa trẻ mà quên đi vai trò của thầy cô. “Các giáo viên được yêu cầu phải hỗ trợ, không phải dạy dỗ học sinh. Chúng ta cần phải làm sống lại sự tôn trọng kiến thức. Chúng ta cần có kỷ luật hơn” – Kajita nói.
Mặc dù bị tụt hạng song khả năng giáo dục của Nhật Bản vẫn khiến nhiều nước ghen tị, gồm cả Mỹ, quốc gia đứng thứ 29 về khoa học và 35 về toán học trong số 57 nước tham gia cuộc thi PISA 2006. Theo các chuyên gia, Nhật Bản không nên có phản ứng thái quá và chỉ tập trung vào việc phát triển toán học, khoa học tự nhiên và việc đọc hiểu để tăng thứ hạng trên PISA. “Chúng ta cần phải dứt bỏ quá khứ” – Takahashi đánh giá – “Đã xuất hiện nhu cầu thay đổi hệ thống giáo dục để nó không chỉ dựa trên các điểm số. Chúng ta cần phải xem xét lại toàn bộ hệ thống giáo dục hiện nay”.