“Ban đầu, tôi rất vui vì thấy con mình ngoan quá. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy lo vì mẹ bảo gì, con làm nấy”.
“Con ngoan quá”
Con mới đi học lớp 1 được vài hôm, chị Tú đã vô cùng lo lắng vì con chẳng có tí chính kiến nào. Đến lớp, con không chịu kết bạn với ai. Hỏi con thích học môn năng khiếu nào, con cũng bảo tùy mẹ chọn.
“Ban đầu, tôi rất vui vì thấy con mình ngoan quá. Nhưng càng về sau, tôi càng thấy lo vì nó là con trai mà không có mảy may tính quyết đoán hay một suy nghĩ độc lập nào cả. Tôi bảo gì, nó làm nấy.
Nên cho trẻ tham gia hoạt động tập thể
Đi học trên lớp cũng vậy, cô bảo sao thì làm y chang, không cãi, không hỏi tới hỏi lui. Có lần, cô giáo vô tình viết sai một phép toán, thằng bé chép giống hệt kết quả đó. Tôi hỏi sao con chép vậy, con không tính nhẩm lại, thấy kết quả khác không hỏi cô à? Nó bèn trả lời: Cả lớp con ai cũng chép vậy mà. Cô viết thế thì con chép thế”.
Anh Hưng cũng “bất lực” trước tính ỳ của con. “Nhiều lúc về nhà, tôi mắng cháu sao không làm thế này, thế kia, cháu cứ đực mặt ra. Chỉ thấy nó có vẻ khoái trá khi xem tivi hoặc vào mạng internet”.
Dấu hiệu của bé thụ động
Nỗi lo lắng chung của chị Tú cũng là tâm tư của nhiều bố mẹ hiện nay. Ngay một số cô giáo dạy cấp 1 cũng không ngại khi bày tỏ ý kiến: “Trẻ lười suy nghĩ, ít chịu đối thoại với giáo viên. Nếu thầy cô bảo gì thì làm nấy, làm xong thì …thôi, không bao giờ thắc mắc, không bao giờ động não.
Ngoài giờ học chính khóa, tôi tổ chức thêm các hoạt động vui chơi, nhiều em rất lười tham gia. Các em bị ỳ, chỉ thích được ở yên, chỉ thích học xong bài rồi lầm lũi về nhà. Ở đó, các em có thế giới riêng của mình, thế giới của game online, của tivi và những băng đĩa nhạc một mình coi, một mình giải trí…”
Theo chuyên gia tâm lý, chuyện trẻ thụ động có một phần nguyên nhân rất lớn bắt nguồn từ… người lớn. Trẻ em Việt Nam nói riêng và trẻ em phương Đông nói chung thường được huấn luyện từ nhỏ rằng: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Chính điều này tạo thành nếp trong đầu trẻ, lâu dần khiến trẻ mất chính kiến, lười suy nghĩ, luôn trông chờ người lớn (cha, mẹ, thầy, cô) nghĩ hộ mình, con chỉ việc nghiêm chỉnh tuân thủ theo mà thôi.
Trong giai đoạn hiện nay, sự thụ động của trẻ ngày càng tăng khi mà ngay cả cha mẹ cũng trở nên ít có thời gian dành cho con. Trẻ được đi chơi, ít được trò chuyện với anh em (vì chủ yếu toàn con một), ít được tham gia những trò mang tính tương tác với bạn bè hàng xóm (vì những đứa trẻ hàng xóm cũng … bận!).
Bạn của trẻ bây giờ chỉ còn lại máy vi tính nối mạng internet, những trò game online, cộng thêm tivi và những băng đĩa không biết trò chuyện, không cần tương tác. Trẻ giam mình trong thế giới ảo đó, lâu dần thấy lười cả những việc tham gia những trò chơi vận động hay những lúc phải tiếp xúc với bạn bè “thật” bên ngoài.
Tạo cho con sự năng động, hoạt bát
Trước hết, bố mẹ đừng coi con lúc nào cũng còn nhỏ, phải nghe lời ông bà, bố mẹ, luôn phải nghe lời người lớn. Làm thế, khi có bất kỳ điều gì xảy ra, trẻ dễ bị ỷ lại, lệ thuộc vào người, chờ đợi ở người lớn.
Tạo cho con những cơ hội được bộc lộ chính kiến của mình. Ví dụ vào ngày sinh nhật bé, mẹ có thể hỏi xem con muốn tổ chức sinh nhật như thế nào. Con muốn học lớp năng khiếu gì,…
Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho rằng trẻ con bị thụ động là do con xem tivi hoặc dành thời gian cho máy tính quá nhiều. Mẹ nên hạn chế thời gian của con với các loại máy móc. Tận dụng tối đa thời gian rảnh để đưa con ra ngoài chơi, vận động và tham gia vào các hoạt động tập thể.