Rất nhiều bà mẹ đã mắc phải sai lầm khi mua nước khoáng đóng chai để pha sữa bột cho trẻ nhỏ uống.
Nước suối là từ gọi chung cho loại nước uống tự nhiên đóng chai. Tuy nhiên, khi sử dụng, chúng ta cần phân biệt các loại nước đóng chai là nước tinh khiết hay là nước khoáng.
Nước tinh khiết là nước lọc, nước thủy cục đã qua khử trùng công nghiệp hoặc nấu sôi tại nhà. Nước khoáng là nước uống có chứa chất khoáng như natri, kali, canxi, magie…
Nước tinh khiết là loại nước thông thường được khuyên dùng hằng ngày cho tất cả mọi người, có bệnh lý hay không có bệnh lý. Đúng như tên gọi của nó, nước tinh khiết chỉ chứa duy nhất chất dinh dưỡng là nước. Khi nói về nhu cầu nước khuyến nghị cho một người trong một ngày, có thể coi đó là nhu cầu nước tinh khiết.
Các loại nước khoáng do chứa thêm các chất khoáng nên phải dùng đúng trường hợp. Các loại nước khoáng thiên nhiên thường có nồng độ khoáng không quá cao nên những người trưởng thành, có chức năng thận tốt có thể sử dụng được.
Nước khoáng được khuyến khích sử dụng cho người tập thể thao hoặc làm việc ngoài trời mất nhiều mồ hôi, người tiêu chảy cấp để bù các ion khoáng cho cơ thể bị mất qua mồ hôi và phân trong thời hạn ngắn vài giờ sau mất nước, sau đó vẫn nên dùng nước tinh khiết để bù nước cho cơ thể.
Đối với người bình thường (không bị mất chất khoáng nhiều như những đối tượng kể trên) thì không khuyến khích dùng nước khoáng thường xuyên, dù thận hoạt động tốt thì những chất khoáng thừa vẫn được thải ra ngoài. Đối với trẻ em, chỉ được sử dụng nước tinh khiết không có chứa chất khoáng để pha sữa và cho uống hằng ngày, vì chức năng thận của trẻ còn non yếu và cũng không nên bắt thận của trẻ làm việc nhiều hơn để thải chất khoáng dư thừa ra ngoài.
Rất nhiều bà mẹ đã mắc phải sai lầm khi mua nước khoáng đóng chai (dù là của những hãng nổi tiếng) để pha sữa bột cho trẻ nhỏ uống. Điều này rất nguy hại cho thận của trẻ em.
Các hãng sữa trên thế giới đã phải dày công nghiên cứu và tốn kém rất nhiều trong kỹ thuật chiết xuất, tách khoáng, hạ thấp tỉ lệ chất khoáng trong sữa bột để hạn chế gây hại cho thận của trẻ em. Nếu dùng nước khoáng để pha sữa thì công lao trên đã thành “công cốc”.
Nước khoáng chỉ nên dùng khi trẻ tiêu chảy hay nôn ói nhiều, bị mất chất khoáng cần bổ sung lại trong thời gian bệnh. Người bị bệnh thận có chức năng thải khoáng kém cũng không nên uống nước khoáng vì những chất khoáng dư thừa sẽ tích lũy lại trong người và gây rối loạn nhịp tim, cao huyết áp, phù …