Từ khi được 1,5 tuổi, mẹ đã cho Cún đi học ở lớp kỹ năng sống ở trung tâm dành cho trẻ em. Đến 3 tuổi, Cún bắt đầu đi học tiếng Anh, học vẽ, học đàn.
1. Lớp học nào, con cũng có mặt
Tất cả thời gian của Cún chỉ có học và học. Ông ngoại hàng ngày có trách nhiệm đưa Cún đi và đón Cún về.
Vì bố mẹ Cún muốn cho con học thật nhiều, học thật sớm cho con thật giỏi, thông minh hơn các bạn cùng lứa. Bị bố mẹ ép học nhiều quá, có lần Cún khóc, đòi ông bà cho ở nhà. Ông bà có nói gì với bố mẹ Cún, cũng bị gạt đi ngay: “Con làm thế là vì cháu, chứ nào có vì ai. Thế mà ông bà cũng không chịu hiểu cho”.
Rất nhiều các bố mẹ hiện nay chạy đua đi tìm các lớp học cho con. Họ cho rằng, con còn bé nên học càng nhiều thì “tờ giấy trắng ấy” càng được viết nhiều, nhận được nhiều tri thức.
Các chuyên gia cho rằng chuyện cho con học sớm cũng là một điều tốt, nhưng cần có sự hài hòa và thích hợp. Điều đó phụ thuộc vào việc học cái gì, khi con được bao nhiêu tuổi, tuần học bao nhiêu buổi, khả năng và hứng thú của con đối với việc học.
Nếu cha mẹ bắt con học nhiều, học sớm sẽ tạo nhiều sức ép cho con, tạo thành áp lực. Khi lớn, con sẽ chán học. Thêm vào đó, con sẽ mất đi sự hồn nhiên, thơ ngây của tuổi thơ hạnh phúc. Thực tế, bé thông minh hay không, không phụ thuộc nhiều vào việc bé học sớm hay học muộn. Bố mẹ hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi quyết định cho con đi học hay không nhé!
2. Không được chơi đồ chơi vô bổ
Hà Mi rất thích chơi bóng bay. Bé muốn mẹ mua cho một túi bóng bay to và bơm bóng để thổi, bay xung quanh nhà. Nhưng mẹ lại quát: “Bóng bay có ăn được đâu, có học được đâu, cần gì mua lắm thế”.
Suốt ngày mẹ so sánh: “Con xem bạn Tuấn nhà bên cạnh ấy, có chơi lung tung như con không. Bạn ấy làm toán nhanh, viết chữ đẹp. Vì bạn ấy không chơi bóng bay. Mẹ cấm con, không được chơi bóng bay nữa”.
Hãy để con được sống đúng với tuổi thơ của mình, bố mẹ nhé!
Mẹ của Hà Mi đã thật sai lầm vì nghĩ rằng chơi bóng bay là điều vô bổ, không ích lợi gì. Từ bóng bay, mẹ có thể dạy bé về màu sắc, cách đếm… Trí lực của bé có thể phát triển ngay cả trong lúc chơi. Thông qua các trò chơi, bé có thể học được sự sáng tạo, nhận biết thế giới xung quanh.
Bố mẹ không nên lúc nào cũng bắt con phải học, phải chơi đồ chơi giáo dục. Hãy cho con được tự do khám phá, phát triển theo khả năng của con.
3. Thích con đạt được thành tích cao
Bố mẹ Mimi lúc nào cũng tự hào vì ở lớp mẫu giáo, Mimi là số 1. Hát hay, múa đẹp, nói tiếng Anh giỏi. Ở lớp, ở trường có cuộc thi gì, Mimi luôn được bố mẹ cổ vũ và “bắt buộc” giành giải thưởng. Nếu không đạt giải, buổi tối về, thế nào bố cũng mắng: “Ăn cho tốn cơm, tốn gạo”.
Bố mẹ Mimi đã có cách giáo dục con không đúng tí nào. Không thể đánh đồng giáo dục con với việc bắt con lúc nào cũng đạt thành tích. Để bé phát triển toàn diện, bố mẹ không chỉ coi trọng việc con đạt được thành tích cao trong học tập, mà nên bồi dưỡng phát triển tâm hồn của con. Lúc nào cũng để con thấy vui vẻ, học tập và yêu đời. Những điều này không thể dùng thành tích để đánh giá được.
Hơn thế, việc lúc nào cũng bắt con đạt thành tích cao trong học tập dễ tạo cho con thói quen ta đây hơn người, không tốt cho sự phát triển nhân cách của con sau này.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái thông minh, giỏi giang hơn người. Nhưng không vì thế mà bằng mọi cách để bắt con đạt được điều quá sức của con. Hãy để con lớn lên, phát triển toàn diện về cả mặt thể chất và tâm hồn.