Bác sỹ và những nhân viên phòng cháy chữa cháy đã phải mất tới 50 phút để giải cứu cho một bé trai 7 tuổi người Trung Quốc khi lưỡi của cậu bé bị hút chặt vào miệng một chai nhựa đựng nước.
Những chai nhựa đựng nước hay đồ uống vốn rất tiện dụng và phổ biến trong đời sống thường nhật, nhưng ít ai biết được rằng chúng lại tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho trẻ nhỏ khi các cháu bé mút chặt miệng chai khi uống nước.
Lưỡi bị hút chặt vào miệng chai nhựa
Thần Thần đang là học sinh lớp 2 tại một trường tiểu học tại Tứ Xuyên (Trung Quốc), khi cậu bé uống nước đựng trong chai thì lưỡi bị hút chặt vào bên trong không tài nào rút ra được. Cậu bé đành phải lấy tay đỡ và loay hoay tìm cách gỡ nó ra nhưng đều thất bại.
Cậu bé đã được giáo viên đưa ngay tới phòng y tế của trường. Các bác sỹ đã tìm mọi cách gỡ chiếc chai ra nhưng đều không được, cuối cùng họ đã quyết định phải cắt chiếc chai nhựa ra để giải cứu chiếc lưỡi của Thần Thần. Ngoài dự đoán của mọi người, sau khi chiếc chai được cắt ra thì lưỡi của cậu bé vẫn bị dính chặt vào đó khiến ai cũng hốt hoảng, nhưng ít nhất thì cậu bé cũng có thể hô hấp thoải mái hơn. Theo lời giáo viên kể lại thì chiếc lưỡi của cậu bé lúc đó tím tái, Thần Thần đau họng, đau lưỡi chỉ biết ú ớ kêu.
Ca cấp cứu cam go
Thần Thần được giáo viên đưa ngay tới bệnh viện tỉnh để cấp cứu, bác sỹ sau khi tỉ mỉ xem xét chiếc bình thì phát hiện ra, miệng chiếc bình có đường kính khoảng 1 xăng ti mét, do Thần Thần cố gắng dùng hết sức để lôi lưỡi ra khỏi đó nên nó càng bị hút chặt hơn.
Các bác sỹ trước sau đã vận dụng nào là kéo, dao mổ để thử tách miệng chai ra nhưng rút cuộc phát hiện chất liệu nhựa rất trơn, bởi vậy cả dao hay kéo đều không có điểm tỳ để cắt vì chiếc chai vốn dĩ đã bị cắt mất tới 1/3 phần thân chai. Các bác sỹ đành phải gọi tới 119.
Sau khi đội cứu hỏa tới, họ đã phải dùng tới chiếc kìm điện loại nhỏ mới có thể cắt đứt được miệng chai, nhưng nó vẫn cách chỗ lưỡi của Thần Thần bị hút vào một đoạn không hề ngắn.
Sau đó các bác sỹ đã phải dùng đèn cồn để nung nóng đầu kéo rồi dùng đầu kéo nóng này làm mềm phía bên cạnh đầu bình nhựa đang hút chặt chiếc lưỡi, từng chút từng chút một cắt đứt đoạn ống nhựa đó. “Chỉ có thể cẩn thận tỷ mỉ cắt từng chút một mới không làm lưỡi của cậu bé bị thương”, bác sỹ cho biết.
Trải qua 50 phút căng thẳng cao độ, cuối cùng chiếc lưỡi của Thần Thần đã được giải cứu.
Lưỡi của cậu bé lúc đó bị tê cứng, nhưng sau khi kiểm tra các bác sỹ kết luận nó hoàn toàn lành lặn và chức năng không bị ảnh hưởng.
Tìm hiểu nguyên nhân
Tại sao lưỡi của Thần Thần lại bị hút chặt vào miệng chai nhựa tới như vậy?
Phó chủ nhiệm khoa răng hàm mặt của bệnh viện tỉnh Tứ Xuyên cho biết, từ trước tới nay ông chưa từng gặp trường hợp nào như thế này và giải thích nguyên nhân của sự việc trên: “Nguyên nhân chủ yếu do áp suất, áp suất trong chai quá lớn nên khi miệng chúng ta mút vào sẽ rất dễ dẫn tới lưỡi bị hút chặt vào trong. Còn một trong những nguyên nhân nữa là do miệng chiếc chai hơi to”.
4 kinh nghiệm phòng tránh cho lưỡi và miệng của trẻ nhỏ không bị tổn thương
Lưỡi là một trong những bộ phận bảo vệ khoang miệng và thực tế rất dễ bị tổn thương. Dưới đây là một trong số những kinh nghiệm phòng tránh cho lưỡi và miệng của trẻ nhỏ không bị tổn hại:
– Với những chai, bình uống nước, nếu trẻ còn nhỏ thì không nên chọn những chai, bình có miệng to.
– Có những trẻ khi ăn hoa quả thích dùng con dao nhỏ để cắm hoa quả đưa vào miệng, điều này vô cùng nguy hiểm. Bên cạnh đó, có nhiều trẻ thích nhét dĩa vào miệng để ngậm, đây cũng là động tác dễ dây tổn thương cho lưỡi cũng như khoang miệng.
– Cha mẹ nên nhắc nhở, dặn dò các em lúc chơi đùa không được để vấp ngã. Khi vấp ngã, va đạp mạnh, miệng các em rất dễ bị thương như chảy máu, sưng tấy…
– Ngoài những tổn thương vật lý, thì ăn uống không đúng cách cũng là nguyên nhân khiến cho lưỡi của bé bị tổn thương, như: ăn đồ ăn quá nóng hoặc quá lạnh.