Trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (xâm hại) sẽ được can thiệp, trợ giúp trên nguyên tắc kịp thời bằng các biện pháp phù hợp, vì quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ, đảm bảo tính bảo mật về thông tin liên quan đến trẻ em bị xâm hại.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) vừa ra Thông tư số 23/2010/TT-LĐTBXH quy định về quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại.
Theo đó, quy trình can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục sẽ bao gồm 5 bước: Đầu tiên là tiếp nhận thông tin, kiểm tra, đánh giá nguy cơ sơ bộ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tạm thời cho trẻ em trong tình trạng khẩn cấp; tiếp đến sẽ thu thập thông tin, xác minh và đánh giá nguy cơ cụ thể đối với trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại; từ đó xây dựng và thông qua kế hoạch can thiệp, trợ giúp trẻ; rồi tiến hành thực hiện hoạt động can thiệp, trợ giúp. Cuối cùng là rà soát, đánh giá nguy cơ sau can thiệp, trợ giúp và báo cáo kết quả can thiệp, trợ giúp.
Trong thời gian vừa qua, tình trạng ngược đãi, bạo lực trẻ em ở gia đình, cộng đồng vẫn diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề xã hội bức xúc. Theo số liệu từ đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTBXH, trong vòng 3 năm, từ 2005-2007, tình trạng xâm hại, bạo lực trong gia đình đã tăng gấp 3 lần, ở cộng đồng tăng 7 lần và trong trường học tăng 13 lần. Năm 2008, thống kê của 63 tỉnh, thành trên cả nước có 3.956 trẻ em bị ngược đãi, bạo lực.
Trẻ em bị bạo lực là nạn nhân của một trong các hành vi: Lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ; hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của trẻ; đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt làm những việc trái với đạo đức xã hội; cưỡng ép trẻ em lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc… |
Số lượng trẻ em bị xâm hại có xu hướng tăng nhanh từ trên 200 em vào năm 2005 tăng lên 1.427 trẻ em vào năm 2008, sau đó giảm xuống 833 em vào năm 2009. Đây là số trẻ em bị xâm hại được trình báo, trên thực tế con số này còn cao hơn nhiều, vì nhiều người dân không muốn trình báo những vấn đề nhạy cảm có thể gây ảnh hưởng đến con cái họ, hoặc họ tự thỏa thuận đền bù với người xâm hại trẻ em.
Bộ LĐTBXH cho biết, từ 2001- 2010, với nỗ lực của các cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em và của toàn xã hội, nước ta đã có trên 10.000 trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực được trợ giúp kịp thời. Hầu hết số trẻ em này sau một thời gian ngắn đã được phục hồi và hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
Được biết, Bộ LĐTBXH đang dự kiến xây dựng và nhân rộng mô hình trợ giúp trẻ em bị xâm hại tình dục dựa vào cộng đồng để kịp thời can thiệp, trợ giúp trẻ em bị xâm hại. Mô hình dự kiến sẽ tập trung vào 45 tỉnh/thành phố – nơi có đông đối tượng cần được trợ giúp. Hy vọng mô hình này sẽ góp phần giúp nhiều trẻ em bị xâm hại được hỗ trợ kịp thời, và nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.