Quá trình vừa học vừa chơi luôn có ích cho bé dù ở độ tuổi nào. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn tạo một lịch học dày đặc và ép bé phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt. Các kỹ năng rèn luyện thể chất, năng khiếu như hội họa, nhào nặn đất, các trò chơi xếp hình… rất phù hợp với bé lên 2.
Gợi ý từ Patti Wollman – chuyên viên Nhi Khoa Hoa Kỳ đăng tải trên trang Ivillage.
Bé cần luyện tập để tăng độ dẻo dai cho cơ bắp và học kỹ năng điều khiển đôi bàn tay qua các trò chơi với cát, nặn hình bằng đất sét… Nhờ đó, bé sẽ “đủ sức” để cầm bút chì vẽ một bức tranh hoặc tô theo bảng chữ cái trên một tờ giấy trắng.
Tiếp đến bạn có thể dạy bé những bài hát ngắn để bé làm quen với từ vựng thông qua nhịp điệu của ca khúc thay vì bạn buộc bé phải tiếp thu bảng chữ cái theo cách khô cứng và ít thú vị.
Bạn cũng nên tăng cường các hoạt động đọc sách cho bé. Những ngôn từ của cha mẹ sẽ tác động lên não bé một cách trực tiếp và được lưu trữ rất lâu ở khu vực ghi nhớ. Những trò chơi xếp hoặc lắp ráp hình cũng có tác dụng xây dựng tư duy logic cho bé.
Bạn nên xem các hoạt động hàng ngày này như một chương trình giảng dạy tại gia trước khi bé đi học thực sự. Bởi vì chúng cung cấp cho bé những kỹ năng ngôn ngữ, số đếm, xử lý tình huống… theo cách vui vẻ. Bé cần được học hỏi qua những hoạt động thú vị chứ không phải ngồi yên trên ghế và nói theo bạn như một con vẹt.
Nếu bé nhà bạn thuộc nhóm “thần đồng” nghĩa là những bé phát triển lòng say mê với việc học tập từ rất sớm, bạn có thể tham khảo ý kiến của chuyên gia để lên lịch học phù hợp với bé.