Viêm amiđan cấp, hen, cận thị, vẹo cột sống là các bệnh mà trẻ dễ mắc phải khi bước vào lứa tuổi học đường.
1. Viêm amiđan cấp
Từ 6 đến 14 tuổi, tổ chức amiđan phì đại nhiều gấp đôi so với người lớn nên trẻ dễ bị viêm amiđan cấp. Nếu không được điều trị và chăm sóc thích hợp, bệnh sẽ tái phát thường xuyên, ảnh hưởng nhiều đến học tập.
Nguyên nhân gây viêm là virus hoặc vi trùng. Bệnh xảy ra khi thời tiết thay đổi đột ngột hay do môi trường bị ô nhiễm bởi bụi, khói, thuốc lá. Viêm amiđan hay gặp hơn ở trẻ có sức đề kháng kém hoặc có ổ viêm nhiễm ở họng như sâu răng, viêm lợi, viêm xoang. Nếu được điều trị thích hợp, trẻ sẽ khỏi bệnh sau 1 tuần. Nhiều trường hợp viêm amiđan do vi trùng không được chữa trị đúng đã gây những biến chứng nguy hiểm như viêm cầu thận cấp, viêm khớp, thấp tim.
Khi bị viêm amiđan, trẻ có triệu chứng đột ngột sốt cao, mệt mỏi, đau họng khi nuốt, hơi thở hôi. Hạch cổ thường sưng đau. Do bị đau họng nên trẻ chán ăn. Nếu viêm nhiễm lan xuống dưới, trẻ sẽ ho đờm. Khi trẻ há to miệng sẽ thấy 2 amiđan sưng to, đỏ, có chấm mủ trắng.
Khi bị viêm amiđan, cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế. Cách chăm sóc tại nhà là giữ ấm, hướng dẫn trẻ súc họng bằng nước muối loãng. Dùng thuốc hạ sốt đến khi trẻ hết sốt. Uống kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.
Phòng tránh bị viêm amiđan bằng cách: Giữ cho trẻ không bị lạnh đột ngột, tránh tiếp xúc khói bụi, khói thuốc lá, không khí lạnh; khuyến khích trẻ tập thể dục, ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cơ thể; điều trị sớm các bệnh vùng mũi họng như sâu răng, viêm họng, viêm xoang.
2. Hen
Triệu chứng hay gặp là cơn khó thở. Trẻ kêu mệt, đột ngột ho nhiều, thở khò khè, thở rít, thở ngắn hơi, cổ co rút lại. Một số trẻ chỉ ho khan về đêm, ngủ không ngon giấc. Nếu không chữa trị hoặc điều trị không đúng mức, cơn khó thở nặng lên làm trẻ tím tái, suy hô hấp hoặc tái phát nhiều lần. Đã có những trường hợp tử vong trước khi đến bệnh viện do không biết xử trí tại nhà. Có trẻ phải ở lại lớp mấy năm liền do thường xuyên nghỉ học.
Để phòng ngừa cơn hen, cần: Thay, giặt khăn trải giường, áo gối hàng tuần để tránh nấm mốc bụi nhà; tránh các thức ăn gây dị ứng cho trẻ như trứng, đồ biển; tránh cho trẻ hít phải bụi, khói thuốc, khói nhang, mùi thơm nước hoa; không nuôi mèo, chó, chim trong nhà; chữa trị tốt những bệnh viêm nhiễm hô hấp trên.
3. Cận thị
Tỷ lệ cận thị ở trẻ em có nơi lên đến trên 80%. Tật cận thị ở học sinh xuất hiện do cúi gần bàn, đọc sách không đủ ánh sáng. Bệnh thường được phát hiện muộn khi trẻ đọc sai chữ hoặc ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu sớm để đưa trẻ đi khám bệnh: Trẻ hay than mệt mắt, nhức mắt, nhức đầu; đọc sách báo quá gần hoặc nheo mắt khi xem sách báo; hay nghiêng, quay đầu để nhìn cho rõ; hay cảm thấy chói mắt, sợ ánh sáng hay chảy nước mắt.
4. Vẹo cột sống
Trẻ ở độ tuổi đi học đã phát triển khá hoàn chỉnh về thể chất và vận động; nhưng dây chằng cột sống ở giai đoạn này chưa ổn định, còn lỏng lẻo dễ gây biến dạng theo tư thế.
Tư thế ngồi học không đúng, ngồi lệch nghiêng một bên là nguyên nhân hàng đầu gây vẹo cột sống ở trẻ đi học. Một nguyên nhân nữa là bàn ghế trong lớp không đúng kích thước, độ chênh lệch giữa bàn và ghế quá lớn khiến trẻ phải cúi khom một thời gian dài, gây gù lưng. Việc xách cặp sách quá nặng lúc đi học cũng ảnh hưởng nhiều, gây đau vai, vẹo cột sống.
Bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn sớm. Việc bị vẹo cột sống từ lứa tuổi nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể, về lâu dài có các dấu hiệu hay đau lưng, tay hay vai lệch một bên, bước đi khập khiễng và dễ bị bệnh thoái hóa cột sống.
Một số kết quả nghiên cứu trong nước đã công bố cho thấy 100% trẻ em đi học có tình trạng vẹo cột sống nhẹ trong đó tỷ lệ bệnh vẹo cột sống rõ ở học sinh tiểu học là 30,8%.