Tết Trung thu vào ngày rằm tháng Tám (âm lịch), cũng là ngày trăng tròn nhất trong năm. Người xưa quan niệm mọi thứ trong đêm rằm đều phải sáng. Có lẽ vì thế mà đêm trung thu, các loại đèn đều được thắp sáng lung linh.
Năm nào cũng vậy, từ đầu tháng Tám âm lịch, phố phường Hà Nội đã sầm uất cửa hàng bán bánh trung thu, đồ chơi trẻ em. Không riêng gì phố Hàng Mã, Lương Văn Can mà mỗi nẻo đường Hà Nội đều ngập tràn không khí Trung thu. Lại bất chợt nhớ về những mùa thu kí ức. Cái thời tôi còn là đứa trẻ lên năm háo hức chờ trăng lên để được xem múa lân, dung dăng dung dẻ rước đèn, ngắm bà và mẹ làm đủ thứ quà bánh thơm nồng trong gian bếp nhỏ. Bàn tay mẹ khéo léo thả từng chiếc bánh bột nếp trắng ngần, tròn vành vạnh như mặt trăng vào nồi nước thoang thoảng hương cùi bưởi quyện với đường phên đang sôi liu riu trên bếp. Chẳng biết từ bao giờ, quê tôi gọi đó là bánh trăng.
Khi trăng mới lên, cỗ Trung thu được bày biện ở sân nhà. Đầu mâm cỗ trông trăng thường là ông tiến sĩ giấy hoặc hai ông phỗng ngồi hầu hai bên; một quả bưởi tươi nguyên đặt chính giữa.
Bài đồng dao ngày nào lại văng vẳng bên tai như mới vừa nghe đâu đây: “Này ông trăng ơi. Xuống đây mà chơi. Có nồi cơm nếp. Có tệp bánh chưng. Có lưng hũ rượu…”. Trăng lên dần, trẻ nhỏ đứa cầm đèn, đứa vác trống bỏi rủ nhau đi xem đội múa lân của làng đến tận khuya mới về nhà phá cỗ. Lúc đợi trăng lên cao, trẻ hồn nhiên vừa múa hát, vừa rước đèn và phá cỗ bên gia đình. Trăng rằm tháng Tám chứng kiến biết bao tiếng cười, biết bao mơ ước trong veo của tuổi thơ.
Ngày ấy, đèn kéo quân loang loáng, đèn ông sao nhấp nháy trong đêm vẫn còn là món quà xa xỉ với đứa trẻ quê. Nhưng bù lại, tôi và bạn bè thường được bố làm cho những chiếc đèn lồng được cắt, gò từ ống bơ tỉ mỉ đến từng chi tiết. Vô số hạt bưởi được kết chuỗi, phơi khô từ mấy tháng trước đó luồn vào bên trong chiếc đèn đêm đến lấp ló ngọn lửa nhỏ xanh lơ và tiếng nổ lách tách rất vui tai. Bà đi chợ về, dành dụm vài đồng mua cho đàn cháu thơ mấy con tò he xanh đỏ được bàn tay khéo léo như có sẵn phép nhiệm màu của các nghệ nhân tạo ra nhiều hình thù ngộ nghĩnh. Ông ngồi bậc thềm kể câu chuyện về ông tiến sĩ giấy, về ông phỗng, dặn dò các cháu phải chăm ngoan, mai này học hành đỗ đạt.
Bây giờ, món quà Trung thu cho trẻ em, những đồ chơi dân gian nhiều khi vắng mặt, thay vào đó là rô-bốt, siêu nhân, ô tô, tàu hỏa… cho tới vé xem xiếc, vé mời đi dự tiệc nhà hàng sang trọng…
Chiều dạo phố, nghe ông cụ tám mươi thở dài: “Giới hạn giàu nghèo cách nhau… một cái bánh trung thu cho trẻ”. Trung thu mỗi thời một khác. Bánh kẹo, đồ chơi cũng theo đó mà biến hóa khôn lường. Xưa chiếc bánh bột thả vào nồi nước cũng làm nên trung thu, giờ thì hộp bánh bên ngoài “sơn son thếp vàng”, trong “sơn hào hải vị” có giá bạc triệu cũng là trung thu. Tết cho trẻ em mà nghịch lý lại lẩn khuất đâu đó trong sự quảng giao, hậu đãi của người lớn. Trẻ em thời nào cũng trong sáng như thiên thần, chúng đâu hay biết gì khoảng cách vô hình của cuộc sống này.
Đi trên đường phố Hà Nội trước mỗi mùa Trung thu, tôi như bắt gặp lại chính mình từ ánh mắt trong veo của những đứa trẻ tung tăng dạo phố trên tay vung vẩy lồng đèn, thú bông, nụ cười mùa thu bừng nở vô ưu giữa dòng người ngược xuôi hối hả.