Trước tình trạng mỗi ngày, Việt Nam có hơn 10 trẻ bị chết đuối, cao gấp 10 lần các nước phát triển, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ phối hợp với Bộ GD-ĐT dần dần đưa bơi lội vào môn học chính khóa, thay thế hẳn môn thể dục khác, để dạy các em “chống chọi” với sông, nước.
Theo BS Nguyễn Trọng An, phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ, TB – XH) thì hiện nay, trung bình mỗi ngày, Việt Nam có 27 – 35 trẻ nhỏ bị chết do tai nạn thương tích, trong đó, hơn 10 trẻ là bị chết đuối, biến nước ta trở thành nước có tỉ lệ trẻ bị chết đuối cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Một con số giật mình là tính riêng với tỉnh Nghệ An, một năm có hơn 200 em bị chết đuối (bằng số học sinh một khóa của một trường tiểu học bình thường).
Chính vì vậy, việc đưa môn bơi lội vào giảng đường sẽ phải được chú trọng hơn. Thời gian vừa qua, nhiều trường còn “kêu” vì không có bể bơi, nhưng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em sẽ giúp đỡ các trường này bằng các bể bơi bằng nhựa, có thể lắp ghép và đổ nước vào đó; hoặc làm những “lồng” bơi đơn giản…
Trước mắt, đã thí điểm thành công với TP Đà Nẵng và sẽ dần dần nhân rộng các tỉnh khác. “Với các thành phố, phải tận dụng các bể bơi sẵn có để dạy cho các cháu. Dần dần, sẽ thay thế hẳn một môn thể dục khác bằng môn bơi lội” – BS An cho biết.