Con ngồi ăn sáng. Có lẽ chưa thật sự tỉnh ngủ nên không mấy tập trung. Mẹ luôn miệng nhắc: “Nhanh lên cho mẹ còn đi làm!”.
Như mọi lần, cả nhà đã rời khỏi bàn ăn mà tô bún của con vẫn còn hơn nửa. Mẹ bực bội, gắt: “Con có nghe mẹ nói không?”. Khi mẹ quay đi bỗng nghe tiếng “choang”. Chiếc tô Minh Long hoa văn vinh quy trượt khỏi cạnh bàn ăn, rơi xuống vỡ toang, bún văng tung tóe. Lúc này con đã tỉnh ngủ hẳn, mắt to tròn nhìn mẹ lấm lét.
Mẹ lớn giọng: “Dọn dẹp đi! Con có biết cái tô đó bao nhiêu tiền không? Năm mươi mốt ngàn! Con tự dành tiền tiết kiệm để mua lại đi nhé!”. Con dạ khẽ, mắt rơm rớm (con mới 8 tuổi, chưa biết xài tiền nhưng luôn có ý thức rằng tiền rất khó làm ra, nên tiêu xài phải biết tiết kiệm). Hôm nay em trai của con rất ngoan, nhanh nhảu chạy đi lấy cây chổi và cái hót rác ra đưa tận tay anh. Cô giúp việc cúi xuống định giúp con thì bị mẹ ngăn lại: “Để cháu tự dọn!”. Và con lúng túng dọn dẹp trong tiếng thúc giục khó chịu của mẹ.
Một giờ sau, mẹ xách túi đi làm, dường như quên hẳn chuyện bị mẹ mắng lúc nãy, con mở cổng cho mẹ, vui vẻ chào mẹ như mọi khi.
Đến trưa, đi ăn cùng hai cô bạn đồng nghiệp, nhớ đến con đang ở nhà một mình, mẹ thấy ân hận quá!
Mẹ đã từng có những ngày tuổi thơ ham chơi, phạm lỗi, bị ông bà ngoại la mắng, đánh đòn. Mẹ đã trải qua những năm tháng học trò, bị trách phạt, bị hạ một bậc hạnh kiểm chỉ vì không hiểu quy định của nhà trường.
Mẹ đã đi làm, bị cấp trên khiển trách, kiểm điểm vì những lúc làm sai.
Rồi mẹ lấy ba con, về làm dâu nhà ông bà nội, nhiều lúc tủi thân vì bị trách oan do không biết cách nhập gia tùy tục.
Những lúc ấy, trong mẹ chỉ có một ý nghĩ: “Tại sao người lớn/cấp trên không hiểu mình?”. Mẹ nhiều khi muốn phát điên vì phải sống trong áp lực là con cả, là chị cả thì phải làm gương cho các em; là quản lý thì phải mẫu mực để nhân viên nhìn vào mà phấn đấu; là phụ nữ thì phải chu toàn việc nhà, việc cơ quan… Cái áp lực “không được phép sai” khiến mẹ mệt mỏi, chỉ muốn một lần nổi loạn, để ném mình ra khỏi những quy tắc, những khuôn khổ ấy, để được làm chính mình chứ không phải làm một người như người khác trông đợi.
Mẹ nhớ lắm những lần bị ông ngoại đánh đòn, mẹ đã thầm hứa: “Sau này có con, nhất định sẽ không đánh con”.
Và mẹ đã không giữ lời hứa! Mẹ đã nhiều lần đánh con, dù không “nát đít” như lời đe dọa, dù chỉ bằng cây đũa dài nấu ăn chứ không phải roi mây.
Sáng nay mẹ không đánh con. Nhưng mẹ đã làm con sợ hãi.
Mẹ không muốn con có cảm giác như mẹ, luôn phải làm đúng, làm tốt mọi chuyện, không được phép sai sót. Cảm giác ấy thật khủng khiếp.
Mẹ muốn con được sống hồn nhiên, ít nhất là trong tuổi thơ ngắn ngủi này. Con được phép sai sót và sẽ lớn lên từ mỗi sai sót đó. Con biết hối hận khi làm sai, nhưng không sợ hãi hay cảm giác tội lỗi.
Trưa nay mẹ đã gọi điện thoại về xin lỗi con. Con không trách mẹ.
Cái bát vỡ mẹ mua lại được. Nhưng cảm xúc trong tâm hồn non nớt của con, nếu vì chuyện hồi sáng mà bị khuyết đi, thì không gì có thể lấp đầy.
Mẹ xin lỗi con nhé!