Ngày 14/9, Sở Y tế Hà Nam tổ chức Hội thảo liên ngành Y tế và Giáo dục về quản lý tật khúc xạ cho học sinh của tỉnh. Đây là hoạt động nằm trong dự án “Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc mắt trẻ em tại tỉnh Hà Nam” do Tổ chức ORBIS tài trợ. Theo thống kê sơ bộ, có tới 50% số trẻ em cận thị được cấp kính đeo không đúng số.
Tại buổi hội thảo, đại diện Phòng Giáo dục, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, Trạm Trưởng trạm y tế xã, Ban Giám hiệu một số trường học… đã được đại diện tổ chức ORBIS và Bệnh viện mắt Hà Nam giới thiệu chung về tật khúc xạ cũng như sự cần thiết phải có hoạt động quản lý tật khúc xạ và mô hình quản lý tật khúc xạ trong trường học. Ngoài buổi hội thảo này, Dự án còn tiến hành các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực khám, phát hiện bệnh mắt trẻ em thông thường và chuyển tuyến cho mạng lưới nhân viên Y tế từ cấp xã đến cấp tỉnh; nâng cao năng lực, kỹ năng phát hiện bệnh của đội ngũ nhân viên, tình nguyện viên dân số, gia đình và trẻ em để duy trì tính bền vững của chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ”; cho cán bộ y tế tuyến huyện, xã; triển khai các hoạt động khám, sàng lọc, điều trị các bệnh mắt thông thường cho trẻ em, phối hợp cùng với bệnh viện mắt Hà Nam khám chỉ định và phẫu thuật mắt cho trẻ em; hỗ trợ truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc, bảo vệ mắt, thị lực cho trẻ em và huy động sự hỗ trợ của xã hội…
Qua điều tra sơ bộ, tại tỉnh Hà Nam tỷ lệ mắc tật khúc xạ ở khu vực thành thị là 14,5%, khu vực nông thôn là 4,5% trong đó 65% học sinh cận thị ở nông thôn và 45% học sinh cận thị ở thành phố không được chỉnh kính, đặc biệt có tới 50% trẻ được cấp kính không đúng số. Việc xử trí tật khúc xạ trong cộng đồng còn bị bỏ ngỏ. Ngay tại thành phố Phủ Lý nhiều người dân tự đến các cửa hàng kính tư nhân để mua kính đeo mắt. Một số khác được kê đơn trong bệnh viện rồi ra hiệu kính tư nhân mài, lắp kính. Hiện nay, tỉnh Hà Nam có khoảng 120.000 người có tật khúc xạ.
Bác sỹ Nguyễn Trọng Nơi, Phó Giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai cho biết: Bệnh viêm não ở trẻ em trên địa bàn tỉnh đang gia tăng, chỉ trong 2 tháng qua, đã có gần 15 trẻ em nhập viện. Nếu 9 tháng đầu năm 2009, có 12 ca nhập viện vì viêm não trong đó có 6 ca bệnh nặng, hôn mê, cần thở máy, thì từ đầu năm 2010 đến nay, bệnh đã tăng hơn 3 lần với 38 ca nhập viện, số ca bị nặng cũng tăng gấp 3 lần với 18 ca. Bác sỹ Nơi cho biết: Viêm não là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính hệ thần kinh trung ương, chủ yếu do vi rút xâm nhập vào não bộ qua đường muỗi đốt (viêm não Nhật Bản), đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa (do vi rút đường ruột) và gây viêm não. Khi mắc bệnh, trẻ thường có những biểu hiện, như: Sốt cao đột ngột và thường sốt liên tục, đau đầu, buồn nôn, nôn, lừ đừ, bỏ ăn, tiêu chảy thường phân lỏng không đờm máu. Nặng hơn có thể bị co giật, lẩn thẩn, mất phương hướng, thay đổi cá tính, mất trí nhớ, hôn mê. Cũng theo bác sĩ Nơi, viêm não nặng thường để lại các di chứng rất nặng nề với những tổn thương trầm trọng ở não, ảnh hưởng đến tâm thần và vận động thần kinh, yếu chi, liệt nửa người, thậm chí tàn phế, chết não, sống đời sống thực vật.
Nếu điều trị kịp thời, trẻ có thể lành bệnh và không để lại di chứng. Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường ở trên, các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến ngay bệnh viện để tránh các biến chứng khôn lường. Bác sĩ Nguyễn Trọng Nơi cho biết, hiện nay chỉ có viêm não Nhật Bản B là có thuốc phòng ngừa, còn viêm não do vi rút khác chưa có thuốc phòng ngừa. Các bậc phụ huynh cần có biện pháp chủ động phòng bệnh viêm não bằng nhiều cách, như: Tiêm vắc xin phòng viêm não Nhật Bản, tiêm chủng vắc xin bại liệt, sởi, quai bị, thủy đậu. Cũng thời điểm này, số bệnh nhi nhập viện ở bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cũng đang tăng mạnh với trung bình khoảng 100 ca/ tháng. Những bệnh thường gặp là suy hô hấp, sơ sinh non tháng vàng da, sốt xuất huyết. Để phòng bệnh viêm não và các bệnh khác ở trẻ em, các gia đình cần làm vệ sinh môi trường sạch; chống muỗi đốt bằng cách nằm màn, diệt muỗi, bọ gậy, tránh chơi ngoài trời vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn vì đây là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất. Tránh lây mầm bệnh qua đường tiêu hóa bằng cách thực hiện công tác vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ gìn vệ sinh cá nhân như ăn chín, uống sôi, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…/.