Cơ quan chức năng khẳng định, với đồ chơi không dán tem CR sau 15/9 có thể sẽ bị tịch thu, tiêu huỷ và xử lý hành chính với người bán.
Trong khi các siêu thị, các cửa hàng sách, thiết bị trường học thực hiện tốt quy định dán tem thì các đầu mối thị trường như Hàng Mã (Hà Nội), các cửa hàng đồ chơi trẻ em nhỏ lẻ vẫn dửng dưng với quy định.
Cha mẹ cần chú ý đến sự an toàn khi mua đồ chơi cho con.
Bó tay với hàng chợ
Sáng 14/9, phố Hàng Mã (Hà Nội) kẹt cứng người xe, đèn lồng, đầu lân, đầu sư tử. Trung thu là mùa làm ăn chính của khu phố nổi tiếng về ngành hàng đồ chơi, hàng mã này. Đến đây, người mua sẽ bị choáng ngợp bởi thế giới đồ chơi đủ chủng loại, màu sắc, mẫu mã nhưng không một món hàng nào có dán tem CR. Dù hôm nay (15/9) là hạn cuối cùng của quy định dán tem các loại đồ chơi trẻ em, nhưng hỏi cả người mua lẫn người bán, tất cả đều lắc đầu “không biết quy định này”. Có chủ hàng chỉ nhìn nhìn chúng tôi với ánh mắt nghi ngại khi được hỏi, có người thì xẵng giọng: “Mua thì mua, không mua thì đi cho người ta còn bán hàng”.
Tại các cửa hàng đồ chơi trẻ em, đồ chơi Trung thu trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can, Đội Cấn (Hà Nội), những mặt hàng đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm ưu thế gần như tuyệt đối. Theo những người bán hàng ở đây, những mặt hàng của Trung Quốc dễ bán hơn nhiều. Hàng Trung Quốc có mẫu mã đẹp, nhiều màu sắc, tính năng, giá lại rẻ hơn hẳn so với những đồ chơi cùng chủng loại sản xuất ở Việt Nam. Chẳng hạn đèn lồng Trung thu hàng Trung Quốc giá chỉ 40.000 đồng/chiếc thì hàng Việt Nam phải 60.000 – 65.000 đồng/chiếc.
Trong khi các cửa hàng nhỏ lẻ vẫn dửng dưng với quy định thì các siêu thị, các hiệu sách và thiết bị trường học tuân thủ khá tốt quy định dán tem này. Tại hiệu sách Tiền Phong (Nguyễn Thái Học, Hà Nội) các mặt hàng đồ chơi trẻ em từ lớn đến nhỏ đều đã được dán tem CR. Một số món đồ chưa kịp dán được cất vào một ngăn riêng, không bán.
Tẩy chay hàng kém chất lượng
Theo cơ quan quản lý, khó khăn lớn nhất hiện nay chính là đồ chơi tại các cửa hàng nhỏ lẻ, đa số là hàng nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Còn các nhà sản xuất trong nước, cũng như các hãng nhập khẩu đồ chơi lớn thì họ rất hoan nghênh và thực hiện tốt quy định này.
Ông Trần Văn Vinh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ Khoa học Công nghệ cho biết, sau ngày 15/9, nếu phát hiện hàng không dán tem CR, cơ quan chức năng có thể tịch thu, tiêu huỷ, xem xét xử lý hành chính với chủ hàng. Với hàng dán tem CR mà không đảm bảo chất lượng như cam kết thì theo Luật chứng nhận sản phẩm hàng hoá, đầu tiên xử lý người bán hàng sau đến người sản xuất phải chịu trách nhiệm xử lý.
Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận, với mặt hàng đồ chơi trẻ em hiện nay, việc thực hiện nghiêm ngặt quy định dán tem là rất khó. Cần có thời gian để thay đổi ý thức người kinh doanh và làm tốt công tác hậu kiểm. Quy định này sẽ là cơ sở pháp lý để các cơ quan xử lý các sai phạm. Sau ngày 15/9, cơ quan sẽ phối hợp với các lực lượng quản lý thị trường để làm mạnh công tác kiểm tra thực hiện quy định.
Mặt khác, chính người tiêu dùng cũng cần thay đổi thói quen mua hàng để tẩy chay hàng kém chất lượng. Ông Vinh nói: “Tôi cho rằng người tiêu dùng Việt Nam cần thay đổi nhận thức và cách ứng xử với hàng kém chất lượng. Người tiêu dùng nên tẩy chay hàng kém chất lượng thì tự nó sẽ bị đào thải”.
Ngay những người mua cũng không biết hay không quan tâm đến quy định này. Chị Thu, một khách hàng mua đèn lồng nói: “Tôi vẫn mua đồ chơi Trung thu cho bọn trẻ như mọi năm. Tôi không biết dán tem như thế nào, có phải như tem mũ bảo hiểm không?”. Quy định dán tem CR để đảm bảo tính hợp chuẩn và đảm bảo an toàn cho mặt hàng “nhạy cảm” đồ chơi trẻ em, nhưng nó lại bị thờ ơ từ chính những bậc phụ huynh – những người đáng ra phải rất quan tâm đến sức khoẻ và sự an toàn của con em mình. |