Nghiên cứu của Nielsen cho biết, trẻ em 6 tuổi ngày nay đã có thể sử dụng máy tính rất tốt và đến năm 9 tuổi, chúng thành thạo máy tính không kém một người trưởng thành.
Và trong nhiều trường hợp, trẻ em còn có thể sử dụng máy tính, Internet tốt hơn người lớn rất nhiều. Ví dụ, trong khi các nghiên cứu nhận thấy xu thế chung của thế giới là ngày càng phụ thuộc vào các cỗ máy tìm kiếm (Google, Bing, Yahoo…) thì trẻ em lại lướt web bằng những dấu trang (bookmark) hay tự nhớ các địa chỉ trang web ưa thích và sẵn sàng truy cập các nội dung có trả phí…
Các kết quả này vừa được công bố cùng với nghiên cứu của chuyên gia Jakob Nielsen trong lĩnh vực tương tác giữa máy tính – con người thuộc hãng nghiên cứu Nielsen Norman Group. Hồi năm 2001, Nielsen cũng đã từng có một công trình nghiên cứu tương tự và nhận thấy rằng trẻ em thời đó không thông thạo máy tính như nhiều người vẫn tưởng.
Nhưng 9 năm sau, cùng với sự phát triển mạnh mẽ như vũ báo của thế giới Internet, mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng. Ngày nay, theo nghiên cứu của Nielsen, trẻ em 6 tuổi đã có thể sử dụng máy tính rất tốt và đến năm 9 tuổi chúng thông thạo máy tính và Internet không kém một người trưởng thành thực sự. Thậm chí, nghiên cứu được thực hiện năm 2010 của Nielsen và đồng sự Raluca Budiu cho biết, trẻ em trong độ tuổi từ 3-6 ngày nay đã có xu hướng thích Internet nhưng thiên hướng này bị hạn chế rất nhiều bởi chưa biết đọc. Trẻ em ngày nay còn có được thói quen lướt web của những người “giàu kinh nghiệm” như biết cách nhanh chóng bấm nút bỏ qua những trang, nhưng đoạn giới thiệu, quảng cáo… để đi thẳng đến nội dung chính yếu thay vì ngồi đọc rất kỹ càng như những đàn anh, đàn chị của chúng cách đây 9 năm.
Trẻ em hiện đại coi Internet là công cụ để giải trí là chủ yếu. Theo quan sát của Nielsen, những đứa trẻ từ 3-5 tuổi dù chưa biết đọc nhưng vẫn rất dễ dàng phát hiện ra từ “Play” (bắt đầu chơi) và đi đến cuối trò chơi không mấy khó khăn dù không đọc được những chỉ dẫn trong đó.
Trở lại với vấn đề liệu các công cụ tìm kiếm có trở thành “đồ bỏ đi” khi thế hệ trẻ em này lớn lên hay không khi mà ngày nay chúng đã không bị nhiễm thói quen tìm kiếm và phụ thuộc vào các công cụ tìm kiếm như người lớn? Nielsen cho rằng, tương lai đó khó có thể xảy ra bởi nghiên cứu của ông cho thấy khi lên các độ tuổi 11- 12, đám trẻ con này bắt đầu khao khát tìm kiếm y hệt như người lớn chúng ta hiện nay.
Mặc dù nghiên cứu của Nielsen vẫn chỉ mang tính “định tính” nhưng kết quả của ông vẫn tỏ ra khá tương đồng với những số liệu theo dõi và khảo sát khác. Trong năm 2009, trung bình trẻ em Mỹ dành tới 1 giờ 29 phút cho các hoạt động trên mạng Internet, cao hơn nhiều so với mức trung bình 27 phút của năm 1999, số liệu theo dõi của Quỹ Kaiser Family cho biết. Cũng trong năm 2009, 70% số trẻ trong độ tuổi từ 8-18 ngày nào cũng lên mạng ít nhất 1 lần và khoảng 33% đã từng lướt web trên giường.
Theo một số chuyên gia khác, nghiên cứu này của Nielsen còn có thể thấp hơn thực tế vì mới chỉ nghiên cứu hành vi của chúng với máy tính (PC) thông thường trong khi hiện nay ở Mỹ hay nhiều quốc gia khác, trẻ em đặc biệt hứng thú với smartphone và máy tính bảng cũng như sử dụng các thiết bị đó rất thành thạo. Theo một góc nhìn nào đó, trẻ em ngày nay là những “người dùng bẩm sinh” của công nghệ màn hình cảm ứng.
Nielsen cũng đưa ra một số đề nghị đối với các website nhằm mục tiêu trở nên thân thiện hơn với trẻ em. “Chúng rất dễ bị lúng túng khi gặp những website có hệ thống nút điều hướng rườm rà. Chúng phản ứng với âm thanh, hình họa và ký tự tốt hơn người lớn nên các web nhắm đến đối tượng khách hàng này cần phải thân thiện hơn nữa”, Nielsen nói.