Chúng ta thường ngày lên mạng đọc những thông tin về một số trẻ em do cuộc sống quá đầy đủ, không phấn đấu, sống không có mục tiêu đã sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Cuộc sống không có mục tiêu chẳng khác nào như một hạt “cơm nguội”. Trang bị mục tiêu sống cho con chính là nhiệm vụ cần thiết của mỗi bậc cha mẹ.
Mục tiêu là điều vô cùng đơn giản, nó không hề phức tạp. Đối với trẻ thì nó càng đơn giản, càng dễ hiểu càng tốt bởi vì trẻ học từ đơn giản tới phức tạp. Chính vì thế mà bạn nên giúp trẻ đặt ra cho mình những mục tiêu ngắn hạn rồi dài hạn.
Với trẻ trước tuổi tới trường
Trẻ trước tuổi tới trường chưa bị quá tải vì những chương trình, hoạt động ở trường, bài tập về nhà vì thế bạn có thể giúp trẻ đặt ra mục tiêu bằng việc gắn với các hoạt động thường ngày. Ví dụ như mục tiêu là giúp trẻ sống ngăn nắp “Con cất đồ chơi vào đúng vị trí sau khi chơi xong nhé!”. Luôn thay đổi mục tiêu thông qua các hoạt động hàng ngày để giúp bé hình thành thói quen đưa ra mục tiêu cho mỗi hành động. Mỗi khi bé hoàn thành được một nhiệm vụ nào đó bạn hãy khuyến khích bé bằng những lời khen nhẹ nhàng.
Tuy nhiên, sau mỗi mục tiêu bạn đặt ra cho bé, không nên dừng lại. Ví dụ là mục tiêu trong tuần này bé phải biết tự mặc quần áo, tuần sau bé vẫn phải thực hiện việc tự mình mặc quần áo đồng thời thực hiện mục tiêu khác mà bạn đặt ra. Song song với việc giúp bé đặt mục tiêu cho bản thân, bạn nên hỏi bé thường xuyên như: “Con muốn làm gì hôm nay?”…
Với bé từ lớp mẫu giáo tới lớp 3
Khi bé bắt đầu bước vào hoạt động tập thể, đây là thời gian thích hợp để bé đặt ra cho mình những mục tiêu thực sự, làm việc, hoạt động có kế hoạch. Những kế hoạch, mục tiêu đặt ra có thể đơn giản, có thể phức tạp tùy theo tích cách và độ tuổi của bé.
Kế hoạch bao gồm mục tiêu, thời gian thực hiện mục tiêu và cách thức để hoàn thành công việc đó. Để bé tự mình thiết kế một kế hoạch những thứ phải làm trong ngày, tuần, tháng, năm.
Còn bạn, hãy ở bên để kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của bé và cổ vũ bé nhiều hơn.
Đối với trẻ từ lớp 4 tới lớp 6
Đây là lứa tuổi thích hợp nhất để dạy bé về sự khác nhau giữa mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là mục tiêu có thể thực hiện và hoàn thành trong một khoảng thời gian ngắn đã được giới hạn. Trong khi đó, mục tiêu dài hạn là mục tiêu có thể trải dài nhiều tháng, nhiều năm mới hoàn thành được. Trẻ cần hình thành cho mình những mục tiêu dài hạn thì sống mới có ý nghĩa được.
Đó chính là những điều mà trẻ cần đạt được trong những năm tới. Chính vì những mục tiêu này mà trẻ cải thiện tình hình học tập ở trường, cố gắng hết sức mình trong thể thao hoặc học một ngôn ngữ mới. Nó khiến cho trẻ luôn có đích để hướng tới, mỗi ngày là một ngày có ý nghĩa. Kế hoạch, mục tiêu của trẻ cần được dán trịnh trọng trên tường giống như một lực đẩy để trẻ hoàn thành. Trong kế hoạch cần có thời gian thực hiện, phương pháp đạt được mục tiêu đó hay nói cách khác là con đường để trẻ đạt đến đích đã vạch ra.
Khi trẻ ở độ tuổi này, ở bên trẻ khuyến khích trẻ đạt được mục tiêu trong cuộc sống và không ngừng khen ngợi trẻ vì những gì mà trẻ đạt được. Hãy làm chỗ dựa vững chắc cho trẻ mỗi khi trẻ thất bại hay thành công trong học tập cũng như các hoạt động khác.
Ngoài ra, bạn cũng cần dạy trẻ có nhiều con đường, cách thức để đạt được mục tiêu đề ra. Khi con đường này thất bại thì hãy tìm con đường khác chứ đừng bỏ cuộc.
Mục tiêu, cái đích trong cuộc sống vô cùng cần thiết cho mỗi người. Đừng để những năm tháng của trẻ trôi đi vô ích. Ngay từ bây giờ, hãy dạy cho con mình biết thế nào là đặt ra mục tiêu cho cuộc sống các bậc cha mẹ nhé!