Chị Liên (y tá tại một bệnh viện ở Đức Giang, Hà Nội) đưa cậu con trai 3 tuổi đi chơi Vườn thú Thủ Lệ. Cậu bé rất háo hức, chạy lăng xăng khắp nơi. Đến chuồng hà mã, bé nhìn mãi rồi quay ra hỏi: “Mẹ, mẹ ơi, con hà mã ăn gì?”
Chị Liên ngẩn người, đứng nghĩ mãi không nhớ ra, cuối cùng nói đại là hà mã ăn cá. Sau về tìm hiểu chị mới biết hà mã ăn các cây non và có vị ngọt.
Lúng túng, “trả lời đại” hoặc trả lời cho có là phản ứng của hầu hết các ông bố bà mẹ trước những câu hỏi cắc cớ của bé khi vào vườn thú.
Vì dịp nghỉ lễ mùng 2/9 dài ngày, chị Cúc (34 tuổi) quê ở Hưng Yên dắt con gái và một cháu trai vào vườn thú Hà Nội chơi. Mấy đứa trẻ vừa đi vừa uống sữa rồi dừng lại ở chuồng voi. Bất ngờ cậu cháu trai kéo áo cô và hỏi: “Cô ơi sao tại con voi kia lại bị rách?”.
“Đúng là trong chuồng voi có một con voi bị rách tai, giống như lá khoai ngứa bị rách nhưng chị cũng không giải thích được tại sao. Cuối cùng phải nói là do con chuột cắn”, chị Cúc vừa cười vừa kể.
Lại một câu chuyện nữa bên chuồng voi, nhưng chị Hương (28 tuổi, chủ một cửa hàng bánh ngọt ở Cầu Giấy, Hà Nội) bị cậu con trai 4 tuổi hỏi một tràng: “Mẹ ơi, sao con voi lại bị xích? Mẹ ơi con voi này bao nhiêu tuổi? Mẹ ơi sao da con voi nhăn nheo?”
“Nói thật mình cũng không biết phải nói với con thế nào, thế là đành trả lời con theo kiểu ‘cô bé quàng khăn đỏ’: Con voi bị xích để nó khỏi đi chơi, da nó nhăn nheo vì nó già rồi”, chị kể.
Không chỉ các bà mẹ, đa số ông bố cũng không hiểu biết hơn về động vật. Anh Tuân, 33 tuổi, nhân viên điều hành kỹ thuật của một công ty truyền thông, kể chuyện về cậu con trai. Cu Bin nhà anh đi xem hổ, thấy một cái bể nước trong chuồng, liền quay sang hỏi bố: “Bố ơi con hổ có tắm trong bồn nước không?”.
Thực ra thì có bao giờ anh để ý hổ tắm đâu, nên bảo với con là: “Không, hổ chỉ uống nước trong bồn thôi”. Nhưng đi một lúc sau quay lại khu chuồng hổ anh bật cười vì thấy một con hổ đang nằm ngâm mình trong bồn nước, may mà cu Bin không để ý!
Đưa con đến xem chuồng đà điểu, anh Việt (32 tuổi, phóng viên) cũng từng “tắc tị” trước thắc mắc của bé. “Mình cũng không hề để ý đâu, đang xem, tự dưng bé Bống quay sang hỏi: Bố ơi tại sao con đà điểu kia có hai ngón chân mà con này lại có 3 ngón chân?”. Và anh đành im lặng với câu hỏi này, đánh trống lảng hỏi xem con có uống sữa không. Thật ra, đó là sự khác nhau giữa đà điểu châu Phi và đà điểu châu Mỹ mà ít người biết.
Anh Sơn, 33 tuổi, công tác ở điện lực Đống Đa, gặp phải một câu hỏi hóc búa hơn. Một lần đưa hai đứa con đi xem đà điểu, nhìn thấy một con đà điểu ấp trứng. Cô con gái lớn học lớp 3 quay ra hỏi bố: “Bố ơi đà điểu đang ấp trứng là đà điểu mái à?”. Anh nghĩ đà điểu giống như gà nên gật đầu là đúng.
“Tối về nhà tra trên mạng mới biết đà điểu ấp trứng là đà điểu đực”, anh Sơn vui vẻ kể lại, sau đó anh đã phải “đính chính” với cô công chúa hay hỏi của mình.
Trước sự ngơ ngác của không ít bậc cha mẹ, những nhân viên của phòng Giáo dục hướng dẫn và Bảo tồn của Vườn thú Hà Nội đã nhiều lần phải ra tay “cứu nguy”.
Anh Hưng, một cán bộ của phòng nhận xét: “Hầu hết cha mẹ vào đây đều có ít kiến thức về động vật, thậm chí có trường hợp một bà mẹ không phân biệt được giữa ngan và vịt”.
Anh nói thêm: “Dù bố hay mẹ có thể rất giỏi về nhiều lĩnh vực khác, thành đạt trong sự nghiệp nhưng điều đó không nói nên rằng họ giỏi về động vật. Bố mẹ không giải đáp được những câu hỏi sẽ làm nhiều bé nhăn nhó và mất hứng”.
Còn có rất nhiều câu hỏi khác cần bố mẹ giải thích như: cá sấu có bị rụng răng không? Con quạ có ăn chuối không? Tại sao con gấu này có hình chữ V ở cổ? Tại sao những con vẹt cứ la hét? Sao con công kia không múa? Sao con chó lại thè lưỡi ra?.. . nghe thì ngây ngô, nhưng để giải thích cho các bé thì cũng cần phải có kiến thức và hiểu biết nhất định về động vật.
Theo anh Hưng, bố mẹ nên đọc sách, tìm hiểu thông tin trên mạng trước khi dưa con vào vườn thú, để các chuyến tham quan sinh động, thú vị hơn.