Ngày nay, trong nhịp sống thời @, chúng ta, đặc biệt là trẻ con, có “cơ hội” ăn quá nhiều loại thực phẩm không có lợi cho sức khỏe nhưng lại tập thể dục quá ít. Vì thế, nhiều trẻ em hiện đang trở nên dư cân hoặc béo phì; trong đó, không ít trẻ có nguy cơ mắc bệnh liên quan đến chứng béo phì. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều đó khởi đầu từ khi… còn trong bụng mẹ.
Mẹ tăng cân nhiều – con lãnh đủ
Báo The New York Times cho biết rắc rối bắt đầu từ lúc trẻ còn trong bụng mẹ khi thai phụ tăng cân quá mức cần thiết để cho ra đời một đứa con khỏe mạnh.
Các cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy số trọng lượng tăng lên trong thai kỳ càng dư thừa sẽ “tạo” ra những đứa trẻ to hơn mức trung bình, sau này chúng sẽ trở nên quá khổ, có nhiều khả năng mắc bệnh béo phì, tiểu đường, bệnh tim và bệnh ung thư.
Viện Y học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học quốc gia của Mỹ quả quyết rằng hơn 1/3 phụ nữ có cân nặng trung bình và hơn 1/2 phụ nữ dư cân hoặc béo phì đã tăng cân nhiều hơn mức yêu cầu trong lúc mang thai. Ngoài ra, trước khi có thai, nếu người phụ nữ béo hơn mức trung bình cũng là một yếu tố góp phần làm cho họ tăng cân nhiều hơn trong lúc mang thai.
Ở những phụ nữ tăng hơn 24 kg trong suốt thời gian mang đơn thai, nguy cơ sinh con cân nặng trên 4 kg sẽ nhiều gấp hai lần so với phụ nữ chỉ tăng khoảng 9 kg. Từ cân nặng của trẻ mới sinh, các nhà khoa học có thể dự đoán chỉ số cơ thể sau này của trẻ và nguy cơ trẻ sẽ mắc một số bệnh.
Dù gien di truyền đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề cân nặng nhưng đó không phải là nguyên nhân chính của hiện tượng những đứa trẻ sinh ra quá béo. Một cuộc nghiên cứu trước đó cho thấy ở trẻ 9 tuổi, con của các phụ nữ tăng cân nhiều hơn mức yêu cầu trong lúc mang thai đã trở nên béo hơn những trẻ đồng lứa. Chúng còn có thể trở nên quá khổ, có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính không lây và chức năng miễn dịch cũng kém hơn.
Cần giảm cân trước khi mang thai
Các nhà nghiên cứu còn phát hiện rằng trong việc dự đoán các nguy cơ đối với trẻ, về những biến chứng khi sinh, tình trạng trao đổi chất không bình thường và các tác động về sức khỏe…, cân nặng của bà mẹ trước khi mang thai đóng vai trò quan trọng hơn cả trọng lượng tăng trong thai kỳ
Vì thế, các nhà nghiên cứu khuyến cáo rằng trước khi có thai lần sau, các bà mẹ cần làm giảm phần trọng lượng đã tăng thêm ở lần mang thai trước. Lời khuyên này không chỉ tốt cho con mà tốt cho cả mẹ vì nếu không giảm phần trọng lượng đã tăng thêm, họ sẽ béo hơn và tăng cân nhiều hơn ở thai kỳ tiếp sau.
Tiến sĩ Janet Currie, Trường Đại học Columbia (Mỹ), cho biết: “Hiện số trẻ mới sinh có trọng lượng cao đã tăng một cách đáng kể. Trước đây, chúng ta thường cho rằng khi người mẹ tăng cân nhiều, đứa con trong bụng được bảo vệ tốt, nhưng thật ra chẳng có lý do gì để bà mẹ mang đơn thai lại tăng hơn 18 kg. Bởi sức khỏe của con họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều và có thể tác động xấu về lâu dài”.
Và bà Janet Currie nhấn mạnh lời khuyên: “Nếu thực sự muốn cải thiện sức khỏe của trẻ em, chúng ta phải chăm sóc các bà mẹ trước khi họ mang thai”.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Neal Halfon, Trường Đại học California, phân tích: “Bạn không thể xoay chuyển tình hình trong 9 tháng thai kỳ. Do vậy, giai đoạn trước khi mang thai rất quan trọng để giúp việc mang thai vào quỹ đạo tốt đẹp cho sức khỏe của cả mẹ và con”.