Nghe Chip (3 tuổi) dõng dạc: ‘Bà dở hơi ăn cám hấp’, Chi định nhắc con nhưng thấy bà nội hùa theo ngay: ‘Chip dở hơi ăn cám hấp’ nên cô chịu. Bởi đó là trò chơi yêu thích của hai bà cháu. Hễ bà nói: ‘Chip chập cheng’, Chip đáp ngay: ‘Bà chập cheng’ rồi cả bà cả cháu cùng cười khoái chí.
“Vì bà nội bày trò thế nên mình có trách phạt cháu cũng bằng thừa. Bà sẽ bảo: ‘Kệ nó. Lớn lên rồi nó biết hết’, mình cũng chẳng nói lại được với bà” – Chi chia sẻ. Vì thế, với Chip nhà cô, ông bà, bố mẹ hay cô dì cũng trở thành: “dở hơi ăn cám hấp” hết.
Tâm (29 tuổi, Hà Nội) cũng muốn phạt bé Na (4 tuổi) vì nói: “Mẹ đầu óc ngu si” nhưng không thành công do bà nội can thiệp. Tâm kể, cả nhà cô không ai nói bậy vì sợ Na học theo. Tuy nhiên, nhà hàng xóm lại là “chuyên gia bậy bạ”, bé Na thích chơi với một bé trai bên nhà ấy nên học luôn cả ngôn ngữ xấu. Tâm cho biết, thấy cháu nói vậy ông bà nội chỉ cười. Tâm nhắc ông bà bảo ban cháu thì bà nội gạt đi: “Nó còn bé, chưa biết nhận thức”. Vì thế, mỗi lần Tâm định phạt con là bé nhanh chân chạy tới chỗ ông bà “lánh nạn”.
“Giờ chẳng biết dạy con không được nói hỗn thế nào? Bởi vì cháu nói hư, ông bà chỉ cười nên cháu tưởng hay càng nói tiếp. Nếu bà có quát thì quát xong cũng lại cười nên chả có cháu nào sợ cả” – Tâm nói tiếp.
Có lần, nghe bé Na xưng “mày – tao” với người lớn, Tâm quyết định xử lý nghiêm. Nhưng chưa kịp làm gì, bà nội đã chạy ra khuyên can, còn mắng: “Nó bé thế, biết cái gì. Ngày xưa bố nó cũng nói thế mà lớn lên cũng thành người tể tế”. Dù rất tức nhưng Tâm cũng đành chịu. Cô muốn chỉnh đốn cho con từ nhỏ nhưng rất khó vì ông bà lúc nào cũng khăng khăng: “Kệ nó” hay “Nó biết gì”…
Đừng ngại dạy con khi ở cùng ông bà
Nhiều cặp vợ chồng không ngại góp ý cách dạy cháu cho ông bà. Ông bà nghe và biết đấy nhưng thực tế lại rất cưng chiều cháu hoặc suy nghĩ đơn giản: “Nó còn bé”. Hơn nữa, các bé rất biết phát huy “quyền lực”, nếu biết đang được ông bà “đứng về phía mình”, nhiều bé chẳng ngại chống đối lại cha mẹ. Dù thế, nếu mẹ nghiêm khắc, bé cũng biết “sợ” mẹ và điều này khiến lời nói của mẹ có trọng lượng hơn.
Trong những hoàn cảnh sống chung thế này, cha mẹ nên trao đổi với ông bà trước đã. Bởi nếu được cả nhà thống nhất thì cách dạy bé sẽ đơn giản và đạt hiệu quả nhanh. Chẳng hạn, nếu thấy bé nói hỗn, cả nhà không ai cười mà nghiêm mặt: “Con nói hư đấy”. Nhiều bé chưa biết ý nghĩa của ngôn ngữ hỗn hào mà chỉ nghĩ đó là trò chơi. Nếu bé nói: “Mẹ đầu đất” hoặc “Bà đầu to, óc bằng quả nho”, cả nhà cười ồ khen ngợi thì câu này sẽ được bé dùng tiếp. Khi cả nhà đồng thuận nói: “Hư, con không được nói thế” rồi ngó lơ bé, tức khắc bé sẽ chán vì trò đùa không có “khán giả”.
Nếu bất đồng với ông bà, cha mẹ đừng vội nản. Nên làm gương và kiên trì dạy con kiểu “mưa dầm thấm lâu”. Nếu thấy con nói hỗn, có thể nghiêm mặt: “Con không được thế. Hư”. Quan trọng là cha mẹ cần nhất quán và nghiêm túc. Nếu đó là những câu ngộ nghĩnh, không phải hỗn láo thì có thể cho qua. Nhưng nếu đó là những lời không chấp nhận được thì phải nghiêm túc. Nếu thấy phản ứng “nghiêm mặt” của cha mẹ, bé sẽ biết đó là điều không ngoan.
Tiếp đến, có thể áp dụng hình phạt cho bé như cắt bỏ buổi đi xem xiếc vào chủ nhật tới. Đồng thời cũng nên giải thích để bé hiểu: “Con nói thế là mẹ không vui, là hư” và nhắc nhở bé không được tái phạm.
Hoặc có thể áp dụng mẹo sau, khi nghe bé nói một câu hỗn xược, hãy quay lại nhìn bé thật nghiêm khắc và dõng dạc hỏi: “Con vừa nói gì hư phải không?”. Với cách này, bé sẽ biết mình đang sai nên không dám nói nữa hoặc có nói nhưng theo cách lịch sự hơn.