Nếu thai phụ bị sốt xuất huyết thì cả mẹ và thai nhi đều có thể bị đe dọa đến tính mạng vì bệnh khó điều trị hơn so với người bình thường.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, cho biết, thai phụ bị sốt có thể dẫn đến suy thai, thai chết lưu. Đặc biệt, tình trạng tiểu cầu hạ có thể dẫn đến đẻ non và gây ra các biến chứng nặng như chảy máu khó cầm, tiền sản giật…, dễ gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
Nguy cơ tử vong cao
Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa tiếp nhận một sản phụ mắc sốt xuất huyết có nguy cơ đẻ non được chuyển đến từ Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia. Dù cố gắng hết sức các bác sĩ cũng chỉ cứu được mẹ, còn thai nhi đã tử vong.
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 300 – 350 ca sốt xuất huyết, trong đó có không ít phụ nữ mang thai. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, tiểu cầu hạ, huyết áp tụt… gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn khuyến cáo, với phụ nữ mang thai, việc giảm số lượng hoặc chức năng của tiểu cầu rất nguy hiểm bởi tình trạng chảy máu có thể xảy ra, đặc biệt là lúc sinh nở. Ngoài ra, những bé sinh ra từ bà mẹ tiểu cầu hạ có thể bị thiếu hụt tiểu cầu trong những ngày đầu, thậm chí vài tuần sau sinh.
Tình trạng thiếu hụt tiểu cầu đặc biệt nguy hiểm đối với thai phụ mắc sốt xuất huyết có biểu hiện sốc hoặc tiền sốc. Đây là yếu tố gây tiền sản giật, có thể khiến Người mẹ bị tổn thương gan, thận, chảy máu không cầm được hay co giật khi chuyển dạ. Còn thai nhi sẽ chậm phát triển, suy thai, thậm chí thai chết lưu. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, sản phụ có thể bị các biến chứng rau bong non, phù phổi, xuất huyết não, rối loạn tâm thần hoặc tử vong.
Khó điều trị
Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính cho biết, điều trị bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng cho phụ nữ mang thai thường rất khó khăn. Nguyên tắc chung đối với thai phụ là thận trọng trong sử dụng thuốc vì tác dụng phụ của nó đối với thai. Ngay các thuốc có thể chỉ định dễ dàng cho bệnh nhân khác thì khi thai phụ muốn sử dụng vẫn phải có sự đồng ý của bác sĩ truyền nhiễm và bác sĩ sản khoa sau khi đã cân nhắc rất kỹ. Mặt khác, phải lường trước được những hậu quả có thể xảy ra khi sử dụng thuốc. Đối với bệnh nhân sốt xuất huyết có sốc, phải truyền thật nhanh lượng huyết tương đã thoát mạch, nhưng với phụ nữ mang thai thì phải rất thận trọng kẻo nguy hiểm đến thai nhi.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn lo ngại: “Tiểu cầu cho điều trị sốt xuất huyết đang thiếu trầm trọng. Nhiều bệnh viện đăng ký từ sáng nhưng đến tối mới có tiểu cầu nên việc điều trị gặp nhiều trở ngại”. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo, để tránh nguy hiểm cho cả mẹ và con, khi có biểu hiện sốt, thai phụ cần đi khám ngay. Đặc biệt, nếu nghi ngờ sốt xuất huyết, phải nhập viện để được theo dõi và điều trị.