Bé Ngọc (1 tháng tuổi, TP HCM) bị vàng da mà gia đình không ai phát hiện ra do hai mẹ con cứ ở trong phòng tối vì sợ gió máy. Khi vào bệnh viện, bệnh của bé đã nặng
Theo bác sĩ Cam Ngọc Phượng, Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh Viện Nhi Đồng 1 TP HCM, trường hợp vàng da chậm phát hiện do nằm trong phòng kín như bé Ngọc không phải là hiếm hoi.
Bác sĩ Phượng cho biết, khoảng 20-50% trẻ sau sinh có vàng da, có thể là bệnh lý nhưng cũng có thể là một hiện tượng bình thường. Điều quan trọng là phải phát hiện được dấu hiệu vàng da ở trẻ sơ sinh, theo dõi và biết khi nào phải mang trẻ đến bệnh viện.
Nếu trẻ vàng da sớm trong 1-2 ngày đầu sau sinh, hoặc vàng da qua rốn, vàng tới lòng bàn tay, bàn chân, kèm bú kém, bỏ bú, gồng người thì cần mang đến cơ sở y tế để được điều trị vì đây là vàng da nặng.
Để phát hiện vàng da nếu có, các bà mẹ mỗi ngày nên dành chút thời gian bế trẻ ra chỗ có ánh sáng mặt trời, quan sát mắt và da của con. Đối với những vùng da khó quan sát, có thể dùng ngón cái và ngón trỏ căng nhẹ để xem. Quan sát và đánh dấu vị trí mỗi ngày, bà mẹ có thể biết được mức độ và diễn tiến của chứng vàng da.
Việc mẹ và em bé nằm trong căn phòng tối lờ mờ gây nhiều khó khăn trong chăm sóc và ảnh hưởng xấu đến trẻ, khó phát hiện vàng da sớm. Nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã nặng, nguy cơ tử vong và di chứng thần kinh rất cao. Thiếu ánh sáng mặt trời còn làm tăng nguy cơ thiếu vitamin D, dẫn đến còi xương.
Những kiêng cữ sai lầm khác khi sinh con
Hiện nay vẫn còn phổ biến tình trạng sản phụ chỉ ăn cơm với muối tiêu, thịt kho thật mặn, kiêng canh, rau, trái cây. Theo bác sĩ Đỗ Triều Hưng, Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng TP HCM, điều này làm cho bà mẹ khó ăn uống, dẫn đến thiếu năng lượng, mệt mỏi, táo bón, thiếu canxi. Trong khi đó, nhu cầu dinh dưỡng của sản phụ rất cao để bù năng lượng đã mất do sinh nở và cho trẻ bú. Cách làm đúng là ăn uống đủ thành phần thịt, cá, trứng, rau, trái cây và uống sữa thêm, uống nhiều nước.
Với trẻ sơ sinh, nhiều người băng rốn thật kín vì nghĩ rằng có như vậy mới giúp bảo vệ rốn. Nhưng theo tiến sĩ Ngô Minh Xuân, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ, việc băng kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn gây nhiễm trùng và làm rốn lâu rụng.
Nên để hở rốn sau khi chăm sóc, quấn tã dưới rốn, chỉ phủ lớp mỏng áo lên để dễ quan sát; rốn sẽ mau khô, nhanh rụng, ít nhiễm trùng.