‘Hai bác hỏi ăn cơm chưa thì phải nói ăn rồi nhé’ – Hải dặn cu Công (4 tuổi) trước khi hai mẹ con sang nhà người họ hàng. ‘Sao phải nói thế, con chưa ăn mà?’.
Cu cậu vặc lại mẹ rồi dồn dập hỏi: ‘tại sao’ khiến Hải bối rối.
Hải kể, cô phải nói thế để hai bác không giữ lại ăn cơm. Cu Công lém lỉnh, ăn thì ít mà quậy phá thì nhiều chỉ làm bữa cơm thêm ồn ào. Hơn nữa, nhà hai bác đang có khách dưới quê lên, Hải không muốn cu cậu gây phiền nhiễu. Đối mặt với thắc mắc của con, Hải chỉ đáp qua quýt: “Nghe mẹ đi. Nhanh còn về kẻo bố đang chờ cơm”.
Còn Hồng (Đà Nẵng) thì phát ngượng vì nói dối mà bị con trai lật tẩy. Cu Tít (5 tuổi, nhà Hồng) rất thích bộ đồ chơi siêu nhân màu đỏ của anh họ Tôm. Hôm sang nhà chơi, thấy cu Tít nằng nặc đòi có siêu nhân nhưng muốn từ chối, Hồng bảo: “Mẹ mới mua cho Tít siêu nhân rồi nhỉ? Cái này phải trả cho anh thôi”. Vì không hiểu ý mẹ nên cu Tít vặn vẹo: “Mẹ mua bao giờ?” rồi buông câu: “Mẹ nói điêu nhé” khiến Hồng chỉ biết cười.
Lúc ra về, Hồng nạt nộ cu Tít: “Lần sau, mẹ nói phải nghe. Đừng bảo mẹ nói điêu thế” nhưng cu Tít còn “ngoan cố”: “Mẹ đã mua siêu nhân cho con đâu?”. Cu cậu còn gào lên giận dỗi.
Tương tự Hồng, Nhâm (Từ Liêm, Hà Nội) cũng ngại với con vì lời nói dối không thành. Hôm ấy, hai mẹ con sang nhà cô bạn của Nhâm chơi. Lúc chuẩn bị về, thấy cô bạn đòi treo lên móc xe gói bánh cho bé Nhím, Nhâm chối đây đẩy: “Ờ nhà có nhiều rồi. Không mang về đâu”. Đôi bên còn đang “giằng co” thì bé Nhím thật thà: “Nhà mình chưa có bánh này đâu mẹ. Hôm qua mẹ mua bánh khác mà”, rồi dậm chân phụng phịu: “Thật đấy mẹ” khiến mọi người buồn cười.
Về đến nhà, Nhím còn nhanh nhẹn mang hai gói bánh ra so sánh để chứng minh cho mẹ thấy hai gói này khác nhau. “Mình bảo, mẹ biết rồi nhưng phải nói thế mới lịch sự. Lần sau con phải nói thế nghe chưa” – Nhâm tâm sự.
Nhâm kể, một thời gian sau đó, khi bác hàng xóm đưa ít hoa quả, Nhâm chỉ kịp nói: “Nhà cháu có rồi” thì cô đã thấy bé Nhím nhanh nhẹn: “Nhà cháu chưa có đâu bà ạ. Nhưng mẹ cháu bảo phải nói là có rồi đấy”.
Giải thích cho con phép lịch sự khác với nói dối
Nhiều trường hợp, cha mẹ phải nói giảm, nói tránh, nói lịch sự nhưng các bé lại hiểu đó là lời nói không đúng sự thật. Lúc đó, bé sẽ vặn vẹo lại vì thấy cha mẹ nói sai vì không hiểu dụng ý của người lớn.
Với những tình huống như thế, cần thảo luận trước với bé để bé hiểu đó chẳng qua chỉ là phép nói lịch sự. Cũng giống như bé không nên chê bai hay nói thẳng khuyết điểm của người đối diện. Có thể luyện cho bé một tình huống thử nghiệm, chẳng hạn: “Nếu bà nội hỏi trông bà có nhiều nếp nhăn không? Con trả lời sao”. Sau đó, dạy bé cách nói tránh để làm hài lòng bà…
Nhiều bé tiếp thu nhanh sẽ hiểu ngay sự khác biệt giữa phép nói lịch sự và một lời nói dối bị phạt. Những câu nói lém lỉnh đúng lúc của bé sẽ được mọi người tán thưởng và khen ngợi. Tuy nhiên, cha mẹ vẫn cần liên tục giám sát bé và có những điều chỉnh hợp lý khi phát hiện bé nói dối.