Khi mang thai, sức đề kháng người phụ nữ giảm do thay đổi nội tiết, vì vậy dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như cúm, rubella, sốt xuất huyết… Những bệnh này đều gây ảnh hưởng xấu lên thai nhi, thậm chí gây sảy thai. Chính vì vậy, phụ nữ mang thai cần lưu ý giữ gìn sức khoẻ, đặc biệt là khi thời tiết giao mùa.
Những “kẻ” tấn công
Một trong các bệnh bà bầu dễ mắc nhất trong mùa mưa khi thời tiết thay đổi là cúm với triệu chứng thông thường: sốt, ho, đau họng, đau đầu, mệt mỏi… Bệnh lây qua đường hô hấp, thai phụ mắc bệnh dễ bị biến chứng như viêm phổi, nếu nặng có thể gây sảy thai hoặc thai lưu. Kế đó là rubella. Bệnh cũng lây qua đường hô hấp, diễn tiến trong thời gian ngắn, phát ban ba ngày thì lặn. Đối với người mẹ, bệnh thường không gây biến chứng nặng nề, tuy nhiên rất nguy hiểm đối với thai nhi còn nhỏ tuổi. Điều đáng lo là triệu chứng bệnh dễ nhầm với cúm thông thường và hay bị bỏ qua.
Một bệnh khác bà bầu dễ mắc trong mùa mưa là sốt xuất huyết. Nếu mắc bệnh, người mẹ có nguy cơ bị xuất huyết các cơ quan bên trong, nguy cơ sảy thai hoặc sinh non, đồng thời dễ bị băng huyết sau sinh do tiểu cầu giảm. Nguy hiểm không kém là bệnh viêm âm đạo do nấm.
Theo các bác sĩ, tỉ lệ nhiễm bệnh ở phụ nữ bình thường là 6%, nhưng ở phụ nữ mang thai con số này tăng lên đến 30%. Triệu chứng thường gặp: huyết trắng nhiều, ngứa gây khó chịu. Bệnh có thể gây sảy thai, bé sơ sinh nhiễm nấm khi qua âm đạo mẹ sẽ bị viêm niêm mạc miệng, viêm da do nấm và viêm phổi.
Phòng bệnh khi thời tiết giao mùa
Để phòng bệnh, thai phụ cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, chú ý tăng cường trái cây, rau xanh (cam, bưởi, chanh…), uống nhiều nước, có thể dùng thêm các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, đồng thời giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan… Khi ra đường nên mang áo mưa để tránh mắc mưa nhiễm lạnh, nếu mắc mưa thì khi về nhà phải lau khô người và thay đồ ngay.
Đối với bệnh cúm, để phòng bệnh, thai phụ nên hạn chế dùng quạt máy và máy lạnh khi ngủ; tránh tiếp xúc với môi trường ô nhiễm như bụi, khói, đặc biệt khói thuốc lá; nên mang khẩu trang khi ra đường. Không nên tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cúm cao như bệnh viện, nơi đông người, bệnh nhân cúm… Cần vệ sinh mũi họng thường xuyên vài lần trong ngày bằng nước muối sinh lý.
Còn bệnh sốt xuất huyết, để đề phòng thai phụ nên ngủ màn, mặc quần áo dài tay, tránh chứa nước tù đọng trong nhà, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
Với bệnh rubella, cách phòng ngừa duy nhất là tiêm ngừa trước khi mang thai. Với những thai phụ chưa tiêm phòng, trong ba tháng đầu thai kỳ nếu bị sổ mũi, khó chịu trong người, sốt (hoặc không sốt) nên lập tức đến bác sĩ kiểm tra xem có bị mắc rubella không để được tư vấn và điều trị kịp thời, bởi có nhiều chị em chủ quan bỏ qua các dấu hiệu này, dẫn đến bệnh diễn biến xấu.
Các thai phụ nên mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh vùng sinh dục trước và sau khi giao hợp… để đề phòng bị viêm âm đạo do nấm.
Thai phụ cũng không nên tập trung quá mức vào công việc trong một thời gian dài vì sẽ gây căng thẳng, mệt mỏi. Theo các bác sĩ, khi người mẹ quá căng thẳng có thể gây sảy thai, sinh non, thai chậm tăng trưởng.
Bác sĩ Vũ Kim Dung