Lại một lần nữa dư luận cả nước bức xúc, phẫn nộ về vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý chỉ mới chín tháng tuổi (xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) bị mẹ ruột (Nguyễn Thị Xuân Lan), cha dượng và ông bà ngoại đánh đập. Bất chấp sự phản kháng và lên án của công luận, việc hành hạ, ngược đãi trẻ em vẫn liên tiếp xảy ra…
Bé Như Ý và người mẹ nhẫn tâm ảnh
Theo số liệu tổng hợp của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE) thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), so với 10 năm trước, mức độ xâm hại và bạo lực đối với TE trong gia đình những năm gần đây tăng gấp ba lần; tại cộng đồng tăng bảy lần và trong trường học tăng 13 lần. Trước thực trạng đau lòng này, câu hỏi bức xúc được đặt ra: “Ai là người chịu trách nhiệm chính trong việc BVCSTE ở cơ sở?”.
Từ khi Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em các cấp bị giải thể và được chuyển thành một bộ phận của ngành LĐ-TB-XH các địa phương thì mạng lưới cán bộ, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác BVCSTE ở cơ sở gần như không còn. Song, đó chỉ là một phần nguyên nhân. Tại các phường, xã hiện còn có nhiều tổ chức chính trị, xã hội như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, tổ dân phố… Các tổ chức này đều có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Thế nhưng, ở nhiều địa phương, khi người dân và các cơ quan thông tin đại chúng phát hiện, tố giác với cơ quan chức năng và vạch trần những vụ bạo hành TE dã man thì sự xuất hiện của các tổ chức này đều trong tư thế… chứng kiến chuyện đã rồi!
Nhận thức, hiểu biết về quyền trẻ em trong cộng đồng còn hạn chế; đội ngũ cán bộ, mạng lưới giám sát, phát hiện, báo cáo, phối hợp phòng chống, ngăn chặn nạn bạo hành trẻ ở địa phương quá mỏng… đã kéo theo hệ lụy là không ít TE bị đánh đập, hành hạ dã man trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm nhưng hàng xóm, chính quyền gần như không đủ khả năng để phát hiện, can thiệp và ngăn chặn.
Bà Võ Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP. Cần Thơ, người có hơn 15 năm gắn bó với sự nghiệp BVCSTE cho biết: “Một trong những nguyên nhân làm gia tăng nạn bạo hành TE trong gia đình xuất phát từ quan niệm đèn nhà ai nấy rạng, hoặc sợ bị trả thù nên không dám báo chính quyền, đến khi sự việc diễn ra trầm trọng mới lên tiếng”. Ở đây, nỗi sợ kẻ thủ ác đã lớn hơn sự tôn trọng pháp luật. Nói khác đi, ở nhiều địa phương hiện nay, nhận thức pháp luật về BVCS và giáo dục TE của nhiều người dân còn rất yếu kém và việc thực thi pháp luật cũng chưa đồng bộ. Pháp luật hầu như chưa truy cứu trách nhiệm những người thờ ơ, vô cảm với những vụ bạo hành TE. Trong khi đó, chính sự vô cảm, thờ ơ, né tránh đó đã trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho nạn bạo hành TE phát triển.
Còn một nguyên nhân khác là nhiều người lớn vì bế tắc, thất vọng, bất lực trong cuộc sống và quen hành xử theo quan niệm: “Con (cháu) tôi thì tôi có quyền đánh đập, hành hạ” và xem đó như là một phương cách để “xả tức giận”, “xả xui”. Theo nhận định của nhiều người, đây cũng là biểu hiện của trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật. Tuy nhiên, dẫu có giải thích, có biện minh thế nào thì xã hội vẫn không thể chấp nhận được việc chính người làm mẹ lại đang tâm hành hạ con mình khi đứa trẻ vô tội không có chút khả năng nào để tự vệ, né tránh, trốn chạy!
Đầu tháng 5/2010, cả nước bức xúc về vụ bé Hào Anh ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau bị vợ chồng chủ trại tôm giống Huỳnh Thanh Giang và Mã Ngọc Thơm đánh đập, hành hạ dã man. Không lâu sau đó, ở xã Phú Thuận, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau lại xảy ra vụ bé Huỳnh Chí Điều, chín tuổi, bị chính mẹ ruột là Danh Thị Đậm đánh đập tàn nhẫn. Kẻ thủ ác đã và sẽ bị trừng trị, nhưng mãi cho đến nay, chính quyền tỉnh Cà Mau và các ban ngành liên quan vẫn chưa có cuộc họp nào bàn về các biện pháp ngăn chặn nạn bạo hành TE. Sau buổi xử án diễn ra khá ồn ào, mọi việc lại nhanh chóng chìm vào im lặng.
Không ít người dân hiện nay vẫn còn lúng túng, khi nghi vấn hay phát hiện một vụ bạo hành, người ta không biết báo cho cơ quan nào để họ đủ thẩm quyền nhất để giải quyết và cứu giúp trẻ bị xâm hại. Thực tế, đây là một lỗ hổng rất lớn trong công tác BVCSTE. Khi được làm một “phép thử”, nhiều em nhỏ có thể đọc vanh vách một loạt số điện thoại của các tổng đài giải trí (do xuất hiện hằng ngày trên ti vi với những hình ảnh bắt mắt và âm thanh sôi động nên dễ thuộc, dễ nhớ) nhưng chính các em lại không thể biết số điện thoại của đường dây nóng có thể bảo vệ mình.
TE bị bạo hành không chỉ bị đau đớn về thể xác, ảnh hưởng đến sức khỏe mà ảnh hưởng nặng nề nhất về tinh thần. Nhiều em sẽ nhìn nhận con người, nhất là người lớn bằng thái độ không thiện cảm, bị trầm cảm, hoảng loạn, thiếu tự tin. Đáng lo sợ hơn, trong tương lai, những trẻ đã từng bị bạo hành nếu không vượt qua được những di chứng có thể sẽ trở thành kẻ bạo hành với bạn bè, người thân để trả mối hận mà các em đã từng gánh chịu thời thơ ấu.