Trên đường đèo con về nhà sau một buổi liên hoan công ty, chị Huyền vừa mở lời “đe” con về tội không chia đồ chơi cho bạn thì cô bé thủng thẳng bảo: “Thôi, mẹ tha cho con, mẹ nói mãi chuyện này con chán lắm!”.
Sững người, vừa bực vừa buồn cười vì thấy… có lý, chị Huyền đành ngậm tăm vì không biết phải nói tiếp với con thế nào. Chị cho biết, tuy chưa được 4 tuổi, nhưng con gái chị đã nói năng rất hoạt bát và có nhiều câu lý luận khiến bố mẹ phải choáng. “Có điều nó nói kiểu này thì quả là khó nuốt, về kiểm điểm lại hóa ra chính mình hay nói với con thế mỗi khi con kỳ kèo mãi một vấn đề”, chị tâm sự.
Còn chị Lan (Giáp Bát, Hà Nội) đã giật mình khi nghe con vừa chơi với “các em” búp bê, gấu bông… vừa quát: “Im ngay, khóc gì khóc lắm thế. Khâu mồm nhá!”. Có lần, chị và ông xã đang tranh luận hơi to với nhau thì cô bé đừng gần đấy, chạy ra chỉ tay thẳng mặt bố mẹ, bảo: “Hai đứa kia im ngay. Trật tự nào!” khiến vợ chồng chị cùng ngẩn ra không nói được lời nào.
Khi bé nói những từ ngữ không phù hợp, bố mẹ cần khéo léo giúp con nhận biết và sửa ngay. |
Ngay mới hôm kia, khi đang chơi với cậu bé hàng xóm, cô bé 2 tuổi rưỡi của chị tức giận vì bị bạn đòi đồ chơi đã xả một tràng: “Cút đi, đừng có mà đụng vào”.
“Nhà mình chỉ có ba người, hai vợ chồng thì rất chú ý đến lời ăn tiếng nói, có bao giờ thốt ra những lời khó nghe thế đâu, chẳng biết con học từ đâu nữa”, chị Lan phiền muộn.
Sau vài lần nghe phát ngôn gây sốc nữa của con, nhìn cách bé đóng vai và qua hỏi dò, chị Lan biết con đã bắt chước cách cô giáo mắng các bạn ở lớp. Chị dặn con không được nói những từ ngữ không hay nữa, nhưng lại lo lắng không biết nên góp ý với cô giáo thế nào.
Có cậu con trai tên Bo hơn 4 tuổi khá thông minh, vợ chồng anh Hoàng (Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) lại lấy làm tự hào mỗi lần nghe con nói “kiểu người lớn”.
Một lần, khi mẹ dắt xe ra để đi làm, không may chới với làm đổ xe, Bo nhìn thấy chạy lại nói oang oang: “Mẹ đúng là hậu đậu, lại còn đú đa đú đởn, dắt cái xe cũng chẳng xong”. Khi ấy, cả anh Hoàng và vợ đều phì cười trước kiểu nói “giống y như bố” của Bo.
Hôm khác, khi có chú ruột đến chơi và kể với vợ chồng anh Hoàng là dạo này đang đau đầu vì bị mẹ (bà nội Bo) không cho yêu cô bạn học cùng, Bo ngồi gần đấy phán một câu xanh rờn: “Bà chuối thế, lại muốn chú Nam ế à!”. Nghe bố mắng át: “Cái thằng ranh này, cứ như bà cụ non”, Bo được thể trổ tài đối đáp ngay “ông cụ non chứ!”.
Theo nhà giáo Đặng Thị Lệ Thủy, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng sống Smile’s House (Láng Hạ, Hà Nội) thì hiện tượng trẻ mầm non hay nói những từ ngữ không phù hợp với lứa tuổi, thậm chí các câu gây phản cảm khá phổ biến. Nhiều phụ huynh cho đó là biểu hiện sự nhanh nhạy, thông minh và nghộ nghĩnh của trẻ thơ nên không để tâm, thậm chí còn gián tiếp khích lệ bằng cách cười đùa, đế thêm những câu như “bé mà khoắm lắm”, “nó khôn lắm, bắt chước cực nhanh”… Một số bố mẹ khác lại giật mình, lo lắng, mắng con là láo, hư mà không giải thích vì sao khiến trẻ càng tò mò và tiếp tục nói vậy.
“Thật ra, trẻ con không có lỗi, các cháu rất ngây thơ, và đang ở độ tuổi thích học hỏi, khám phá, thích bắt chước người lớn. Các cháu chỉ ghi lại những gì nhìn được, nghe được, rồi phát lại mà thôi”, nhà giáo phân tích.
Bà Lệ Thủy cho rằng, khi thấy con nói những từ ngữ tiêu cực, bố mẹ cần có cách giúp trẻ chỉnh sửa phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Khi đó, người lớn không nên cười đùa khiến trẻ tưởng nói như vậy là hay, cũng không nên quát mắng các cháu, hãy tỏ ra bình thản, rồi sau đó nhẹ nhàng hỏi con, chẳng hạn như “Ơ, con nói giống ai thế nhỉ”. Lúc ấy, trẻ sẽ “khai” ra đối tượng mình bắt chước, đó có thể là bác hàng xóm, cô giáo, bạn bè, hay có khi chính là bố, mẹ và những người thân trong gia đình.
Chị Thu (Ba Đình, Hà Nội) đã giật mình khi thấy cậu con trai 3 tuổi rưỡi thốt ra những câu như “Câm mồm đi”, “Đồ ngu”, “Đứa nào không nghe lời tao cho một trận bây giờ!” khi cãi nhau với mấy bạn cùng xóm… Gặng hỏi con chị mới biết, ở lớp, cô giáo hay nói những lời này.
“Chắc tại lúc đó các con không ngoan, cô buồn nên cô mới lỡ nói như vậy. Con thấy nói thế có hay không?”, chị Thu hỏi rồi gợi cho cậu con trai trả lời và tự nhận biết được những câu đó không nên lặp lại.
Ngay hôm sau đưa con đi học, trong lúc trò chuyện với cô giáo chủ nhiệm, chị nhẹ nhàng kể với cô chuyện cậu con về nhà hay nói những câu khó nghe thế nào, rồi nhẹ nhàng nhờ vả: “Chị tìm hiểu hộ em xem trong lớp có bạn nào hay nói những câu như thế rồi nhắc nhở giúp em, chứ cu cậu nhà em bắt chước nhanh lắm, cứ thế này thì nguy”.
“Sau này, con mình không nói những câu đó nữa, và mình biết, cô giáo cũng đã tự sửa đổi”, chị Thu chia sẻ kinh nghiệm.
Theo nhà giáo Lệ Thủy, ngoài việc người lớn phải làm gương, các phụ huynh cũng hãy giải thích cho trẻ nhận thức được việc nói những từ ngữ như vậy là không hay như thế nào, tại sao có những câu người lớn nói được mà trẻ con lại không nên nói…
Người xưa có câu “trẻ lên 3 cả nhà học nói”, nên điều quan trọng nhất là người lớn cần cẩn trọng trong cách ứng xử, nói năng của mình. Nếu bố mẹ vô tình nói đùa, hay nói sai để con bắt chước thì cần thừa nhận với trẻ điều đó và cố gắng tránh lặp lại. Còn khi bé bắt chước cách nói năng tiêu cực này từ những người khác, các phụ huynh cũng cần tìm cách khéo léo góp ý với mọi người xung quanh để họ chú ý hơn.
“Việc chỉnh sửa khi các bé nói những câu ‘sốc’ không khó, nhưng nếu các bậc phụ huynh không nghiêm túc và để bé nói tự do, lâu dần thành một thói quen sẽ rất nguy hiểm, bởi trẻ sẽ không phân biệt được đâu là đúng, đâu là sai dẫn tới có những hành vi sai trong cách ứng xử với mọi người rồi dần dần hình thành tính cách xấu”, bà Thủy chia sẻ.