Tự kỷ là một bệnh lý về tinh thần ảnh hưởng chủ yếu đến trẻ em. Các em rất cần được giúp đỡ để thể hiện những suy nghĩ và mong muốn của mình. Trước một đứa trẻ tự kỷ, bạn nên:
1. Tìm hiểu tự kỷ là gì
Để giúp trẻ tự kỷ, bạn cần hiểu rõ bệnh tự kỷ là gì. Tự kỷ có nhiều hình thức và ảnh hưởng tới mỗi trẻ mỗi khác nhau. Bạn càng hiểu rõ bao nhiêu càng dễ dàng tiếp cận trẻ bấy nhiêu.
2. Tham gia lớp học giao tiếp với trẻ tự kỷ
Giao tiếp với trẻ tự kỷ khác rất nhiều so với giao tiếp cùng những trẻ bình thường khác. Cần sử dụng nhiều kỹ năng để giúp trẻ học, đương đầu với thực tế và thích nghi với những hoàn cảnh đặc biệt. Nhiều công việc được coi là dễ dàng với mọi người thì lại vô cùng khó khăn đối với trẻ tự kỷ. Khi tham gia hội thảo, học giao tiếp với trẻ tự kỉ, bạn sẽ chuẩn bị được nhiều kỹ năng để sẵn sàng giúp trẻ hòa nhập hơn với cộng đồng.
3. Nhớ rằng mỗi trẻ là khác nhau
Dù đã được trang bị kiến thức về trẻ tự kỷ, bạn vẫn nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng thích nghi với trẻ nhé! Có thể với trẻ này, sự giao tiếp bằng ánh mắt, nụ cười tạo nên hiệu quả nhưng trẻ khác lại cần bạn nói chuyện và cùng hát cơ.
4. Đừng vội vàng đánh giá
Trẻ tự kỷ ít nói hơn trẻ khác vì vậy bạn đừng nôn nóng bắt trẻ phải thân thiết và làm theo ý của mình ngay. Cũng đừng vội vàng đánh giá là trẻ không có khả năng học tập và nhận thức. Cần tạo cho trẻ sự tin tưởng, trẻ sẽ thể hiện bản thân.
5. Đừng kỳ thị trẻ
Bản thân mỗi trẻ đều có nhu cầu được yêu thương, chú ý. Tuỳ theo mức độ bệnh của trẻ, bạn sẽ thấy trẻ như đang phớt lờ mình hay là hoà nhã hơn, nhưng một điều quan trọng: đừng kì thị và xa lánh trẻ.
6. Trẻ có nhịp độ riêng
Cố gắng hiểu trẻ và biết được tốc độ tiếp thu của trẻ để có sự điều chỉnh hợp lý. Hãy luôn nhớ để trẻ tự đi theo nhịp độ riêng của chúng.
7. Không kỳ vọng
Bạn đừng nản lòng khi trẻ không trả lời bạn hoặc có những câu trả lời thiếu chủ ngữ. Nhiều trẻ tự kỷ dù biết bạn hỏi gì nhưng lại lựa chọn sự im lặng. Bạn hỏi một câu hỏi và mong chờ một phản ứng chi tiết từ trẻ – đó là điều không thể
Nhiều loại chứng tự kỷ không “cho phép” trẻ thể hiện bằng lời nói đầy đủ ngay cả khi chúng mong muốn. Cách tốt nhất để tìm hiểu trẻ là hài lòng với câu trả lời của trẻ, đừng gượng ép trẻ trả lời theo ý bạn.
8. Sử dụng từ ngắn gọn khi hỏi
Một trong những khía cạnh ứng xử với trẻ tự kỷ khi nói chuyện là sử dụng từ ngữ ngắn gọn, trọng tâm. Thêm từ dài dòng hoặc nói khó hiểu, bạn sẽ không đạt được mục đích truyền tải thông tin tới trẻ.
9. Kiên nhẫn
Bạn cần kiên nhẫn, ít thất vọng và căng thẳng khi tiếp xúc với trẻ tự kỷ. Cần học cách kiểm soát cảm xúc. Trẻ dù tự kỷ vẫn vô cùng nhạy cảm. Trẻ sẽ nhận ra rất nhanh nếu thấy bạn tỏ ra mất kiên nhẫn, từ đó trẻ từ chối giao tiếp với bạn.
Dương Thị Hồng Mai đã bình luận
Con trai tôi năm nay học lớp 3. Cháu biết đọc từ khi lên 3 tuổi và giờ học vẫn rất giỏi. Năm lớp 1 và lớp 2 cháu đều được vào danh sách đi thi học sinh giỏi. Việc cháu được vào lớp chọn năm học này cũng do nhà trường xét trên điểm thi học sinh giỏi của cháu. Đặc biệt là tôi chỉ phải nhắc nhở và kiểm tra bài vở của con chứ bài của cháu cháu đều tự làm được hết. Khi tôi hỏi vì sao nhiều bài khó mà con vẫn làm đúng thì cháu nói là rất dễ, không khó đâu, khi cô giáo giảng bài và dặn dò cháu nhớ tất cả. Tôi nhận thấy sự hiểu biết và tư duy lô gic của cháu rất tốt.
Điều tôi muốn hỏi ở đây là, cháu nhà tôi rất nhát. Ngay từ khi đi mẫu giáo khi bị bạn đánh cháu thường giấu, không dám mách cô và mẹ. Khi tôi thấy có vết xước trên mặt cháu, tôi hỏi vì sao và bạn nào đánh, cháu nói rằng mẹ đừng hỏi không thì mai các bạn ấy lại đánh nữa. Trong lớp học cháu hiền lành và nhút nhát, nếu cô giáo hỏi lỗi của cháu là cháu có thể khóc ngay. Hai cô giáo lớp 1 và lớp 2 đều nói với tôi rằng, cháu ngoan và hiền, nhút nhát. Tuy nhiên, cô giáo bây giờ của cháu lại nói với tôi rằng cháu bị tự kỷ vì cô hỏi không dám nhìn vào mắt cô và hay chơi một mình. Tôi có hỏi cháu sao lại không nhìn vào mắt cô thì cháu bảo sợ cô, sao không chơi với bạn thì cháu bảo lúc trước chơi thân nhưng các bạn ấy chơi đểu nên cháu không thích chơi nữa. Với bạn bè láng giềng, anh chị em họ hàng cháu vẫn chơi bời rất vui vẻ, cháu rất hay hỏi vợ chồng tôi những câu hỏi để khám phá.
Tôi thực sự lo lắng khi cô giáo cháu nói vậy, tôi xin được sự chia xẻ của chuyên mục để sớm phát hiện và điều trị bệnh cho con.
Hãy cho tôi một lời khuyên, tôi cảm ơn rất nhiều.
Meyeucon.org đã bình luận
Theo như bạn kể thì cháu không bị tự kỷ, không phải giáo viên nào cũng hiểu rõ về căn bệnh tự kỷ. Con trai của bạn có tư duy tốt nhưng hơi khép kín do các biến cố quan hệ trong lớp gây nên. Cháu chưa đủ kinh nghiệm sống để có khả năng thích ứng tốt. Hiện tại cháu đang bị rối loạn thích ứng với phản ứng buồn bã thiếu tự tin, không thích giao tiếp. Bạn nên thường xuyên chuyện trò với trẻ để vừa hiểu con, vừa nắm được sự việc xung quanh môi trường học của trẻ, đặc biệt vai trò rất quan trọng của bố đối với việc hình thành tính cách mạnh mẽ của con trai. Nên đặt câu hỏi “trong việc đó theo con nên làm gì và làm thế nào?” và hãy lắng nghe trẻ nói cách của trẻ rồi hướng dẫn bổ sung cho cháu cách xử lý tình huống, không nên trực tiếp can thiệp, chỉ can thiệp khi thấy xuất hiện vấn đề nguy hiểm.
Bạn hãy luôn để trẻ nhận thấy bố mẹ thực sự gần gũi và sẵn sàng hỗ trợ, nhưng khong thể làm thay trẻ. Nên hướng con vào một số hoạt động thể chất (môn thể thao với số người cùng lúc tham gia ít như bóng bàn, cầu lông, bơi… sau đó chuyển dần đến đông người như bóng đá, kéo co). Những hoạt động như vậy bố mẹ nên thu xếp thời gian tham gia và được tổ chức thường xuyên. Với những hướng dẫn giải quyết tình huống cho trẻ thì bạn nên trả lời dễ hiểu, có tính gợi ý để trẻ ra quyết định. Bạn hãy theo dõi bé, nếu không có cải thiện tự tin hoạt bát hơn thì nên đưa cháu đến chuyên gia tâm lý để có các phương pháp thích hợp với cháu.
Chúc bạn và gia đình hạnh phúc