Tôi viết lên những dòng tâm sự này mong quý độc giả cho tôi ý kiến tôi phải làm sao để cháu trai tôi có được sự phát triển tâm lý tốt sau này.
Chị tôi là 1 công chức nhà nước, anh rể tôi là kỹ sư xây dựng. Đánh giá bề ngoài xã hội thì họ là những người có học thức nhưng thực tế thưa các bạn… cách cư xử của họ như những người thất học dù rằng trong gia đình tôi chưa ai cư xử theo cách mà vợ chồng chị tôi đã và đang làm.( chia sẻ như vậy tôi cảm thấy rất xấu hổ cho gia đình tôi nhưng tôi không còn sự lựa chọn)
Anh chị tôi có 2 cháu , 1 cháu trai 10 tuổi và 1 bé gái 4 tuổi. Ngày mới sinh cháu trai họ nâng niu con trai như 1 báu vật ,nhưng từ lúc cháu gái ra đời …bé trai từ “ báu vật” trở thành nơi để cha mẹ trút giận, nhục mạ bằng những lời lẽ thật ghê sợ ( xin lỗi tôi không tiện nói ra). Chị tôi giận chồng thì 2 đứa con là nơi cho chị ấy sỉ nhục,la mắng. Anh rể tôi khi đi làm về chỉ thương yêu mỗi đứa con gái dù cả 2 anh em luôn trong ngóng ba vể. Giá như các bạn thấy được ánh mắt thèm sự” biểu lộ tình thương từ người cha” của cháu trai tôi, có lẽ các bạn không khỏi chạnh lòng.
Khi hạnh phúc anh chị tôi chăm bẵm cho đứa con gái nhiều hơn anh trai nó, lúc hai vợ chồng cãi nhau thì ôi thôi…. Tôi không tin họ là vợ chồng,là những người đầu ấp tay gối cùng nhau.Giá như họ ở riêng thì tôi không nói ,đàng này họ cùng chung 1 mái nhà với gia đình tôi. Mỗi ngày tôi đều phải chứng kiến cảnh chị tôi la mắng 2 đứa nhỏ mỗi lúc co chuyện không vui, anh rể tôi chỉ vì mỗi việc đi làm về mà bé trai không đem giỏ anh ta vào nhà mà anh ấy nói 1 câu mày là thằng vô tích sự, đừng để tao thấy mặt mày nữa. Đôi lúc họ đánh con khủng khiếp. tôi ước gì tôi có thể gọi 1 cơ quan chức năng nào để họ chứng kiến những gì mà anh chị tôi đối xử với 2 con của mình.
Tôi gần như bị trầm cảm khi chứng kiến những cánh như vậy gần như mỗi ngày. Chẳng lẽ tôi tố cáo để anh chị mình mất quyền nuôi con? Mà VN đâu có luật đó? Cả gia đình tôi đã khuyên hết lời nhưng anh chị tôi vẫn không thay đổi. Giá như họ hành hạ con mình tàn nhẫn như Hào Anh, Như Ý thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc, hành hạ tâm lý trẻ nhỏ thì ai sẽ giúp các em? Xin hãy cho tôi 1 lời khuyên ,tôi sợ cháu tôi sẽ trở thành người hư hỏng ,trầm cảm tâm lý.
Anh Thu (bạn đọc)
Trả lời từ Meyeucon.org:
Chào bạn Anh Thu,
Xin chia sẻ với tâm trạng bức xúc của bạn. Chúng ta không thể làm ngơ trước cảnh bé trại bị nhục mạ hắt hủi ngay trong chính ngôi nhà của mình. Tôi không thấy bạn nhắc về những thành viên khác trong gia đình như ông bà, cô dì, chú bác… nhất là những người ở chung với vợ chồng người chị ngoài bạn. Thiết nghĩ bạn cần thảo luận với họ ngay để tìm giảp pháp điều chỉnh hành vi và lời nói của bố mẹ cháu.
Thông thường trong gia đình Việt Nam, các thành viên rất hay can thiệp vào phương pháp dạy con cháu, đôi khi chính họ mâu thuẫn với nhau trong cách nuôi dạy. Trong trường hợp gia đình bạn, chẳng lẽ không ai dám can ngăn, khuyên bảo bố mẹ cháu được sao? Tôi cũng hiểu nếu can thiệp không đúng phương pháp sẽ gây hệ lụy: hoặc là mang vạ cho chính mình, hoặc là xảy ra tình huống xấu khó lường về phía cháu bé. Dù vậy chúng ta vẫn phải tìm cách giúp đỡ cháu bé vì thời gian không cho phép chúng ta chậm trễ: cháu đã bước vào tuổi vị thành niên, lứa tuổi cần sự quan tâm đặc biệt của cha mẹ, người thân trước các ngã rẽ của cuộc sống.
Bạn hãy tìm sự đồng thuận chung tay của các thành viên trong gia đình (nếu không có người ở cùng thì là những người có uy tín trong gia đình anh rể hoặc dòng họ). Chọn một người được cháu bé quý mến, có kinh nghiệm tâm lý để nói chuyện riêng với cháu, tìm hiểu xem hiện cháu suy nghĩ gì, mong gì, mức độ tình cảm với bố mẹ thế nào, hướng dẫn cháu cách bày tỏ tình cảm của mình với cha mẹ như giúp đỡ làm việc nhà (hãy cùng làm với cháu hoặc nhắc nhở hướng dẫn cháu) khi có dịp thì khen ngợi, động viên cháu trước mặt bố mẹ cháu.
Về phía chị gái, bạn hãy tạo 1 cuộc nói chuyện riêng của 2 chị em bạn về cả 2 cháu (làm như tình cờ), sau đó chuyển hướng tập trung vào cháu trai, nên nhận xét về sự thay đổi chững chạc của cháu cũng như một số ưu điểm của cháu đối với việc học, việc nhà, khéo léo lồng vào những nhận xét rằng cháu có những ánh mắt rất khát khao thèm muốn khi nhìn thấy họ yêu thương trìu mến cô em gái. Bằng nhiều cách, bạn hãy nhiều lần nói chuyện, dần dần bày tỏ thẳng thắn với chị gái những vấn đề bạn thấy không nên đối xử với trẻ.
Mặt khác, bạn hãy thử tìm hiểu xem trong công việc, cuộc sống vợ chồng chị ấy có khó khăn, bế tắc gì không? Nên kể 1 vài chuyện mà báo chí hàng ngày vẫn đưa tin trẻ bỏ nhà đi bụi đời, sự hắt hủi bạo hành của cha mẹ hoặc nơi này nơi kia đã từng đưa cha mẹ ra chính quyền để xử lý giáo dục về việc bạo hành nhục mạ con cái (những chuyện như vậy không nên nói trước mặt trẻ và người thứ 3). Tôi nghĩ rằng tình cảm sẽ làm mềm lòng anh chị của bạn chăng?
Ngoài ra bạn cũng tìm hiểu xem cháu trai có quá vụng về khi muốn bày tỏ tình cảm với cha mẹ không? Đôi khi vì muốn lập công trạng mà cháu hấp tấp làm vỡ hỏng đồ vật trong nhà, rồi bị mắng nhiều quá thì cháu mất tự tin không dám chủ động làm việc gì nếu không được sai bảo, vì thế cháu càng chuốc lấy sự giận dữ của cha mẹ. Bạn có thể hướng dẫn giúp cháu làm từ những việc nhỏ nhặt, đừng tiếc lời khen khi cháu hoàn thành việc cho dù chưa ưng ý, sau đó nói với trẻ rằng sẽ tốt hơn nến con làm được thêm chút gì gì đó, để trẻ nhận ra yếu điểm của mình rút kinh nghiệm cho lần sau tốt hơn.
Việc trẻ gây ra lỗi lầm và khiến người lớn nóng giận cũng rất bình thường. Gia đình tôi cũng có lúc mắng con cháu quá lời gây bức xúc, trẻ khóc ấm ức hay lầm lỳ cả ngày. Những lúc có vấn đề tôi thường khôi hài một chút, đóng của hỏi riêng xem chuyên gì đang xảy ra, trẻ được kể ra nỗi ấm ức của mình, được lắng nghe và lúc đang cao trào như thế tôi nhận xét cái chưa đúng của người lớn, rồi hỏi có cái gì chưa đúng của con không? Trẻ bẽn lẽn và hồn nhiên nhận cái sai của mình, chỉ chờ có thế thì mình có thể “tấn công” tiếp để xua đi cái ấm ức, tháo gỡ tâm lý bức xúc của trẻ. Khi chỉ có người lớn với nhau, tôi kể lại nội dung chuyện trò với trẻ để người lớn rút kinh nghiệm. Tôi không dám nói là áp dụng được cho mọi hoàn cảnh, nhưng vấn đề tưởng như nhỏ ấy lại hóa giải được tâm lý căng thẳng trong gia đình.
Bạn nên cố gắng kiên trì trong vài ba tháng mà không cải thiện gì hơn thì cần nâng cấp độ can thiệp cứng rắn dần. Trong các UBND Xã, Phường đều có cán bộ làm về công tác Bảo vệ chăm sóc trẻ em, bạn có thể liên hệ trao đổi thêm kinh nghiệm kỹ năng với họ càng sớm càng tốt để sớm giúp đỡ cháu trai yêu quí và những người ruột thịt thân thiết của bạn.
Tôi biết bạn là người rất yêu trẻ, tôi hi vọng là với tình thương của bạn sẽ giúp các cháu phần nào và nếu có thể thì cả anh chị bạn nữa. Bạn hãy giữ bình tĩnh, nếu mệt mỏi và căng thẳng thì hãy cùng chia sẻ với chúng tôi. Hi vọng Meyeucon sẽ giúp bạn phần nào.
Mong sớm nhận được hồi âm vui của bạn
Chúc bạn thành công! Thân mến!