Với các chị em, hạnh phúc là được mang thai 9 tháng 10 ngày, nhưng không ít người, hạnh phúc ấy lại là sợi chỉ rất mong manh.
Trên thực tế, cứ 10 người bị vô sinh nếu được thăm hỏi về con cái thì có đến 8 người e ngại hoặc lo sợ.
Gian nan “tìm con”
Vì đồng cảnh nên những chị em hiếm muộn thường có nhiều chuyện để tâm sự. Có chị em, sau vài lần điều trị còn nảy sinh tình bạn thân thiết.
Ở phòng khám của bác sĩ N.L, người đầu tiên tôi làm quen và nói chuyện là chị Nga, 44 tuổi. Đến phòng khám một mình, vẻ mặt chị lúc nào cũng buồn rười rượi. Chị kể: “Quê mình tận Thái Bình, đây là lần điều trị thứ 5 rồi, làm xong các xét nghiệm, chồng về, còn mình ở lại chờ ngày chuyển phôi. Lần này mà không được nữa đành cho chồng lấy vợ khác. Thực ra, mình đã có 2 con gái, một đứa 15, một đứa 12, nhưng do áp lực nặng nề từ gia đình chồng mà mình phải khổ cực ngược xuôi thế này. Anh ấy là con cả, dòng tộc gia trưởng lắm. Cứ đến dịp lễ tết, giỗ chạp ngồi ăn uống với nhau thì mọi người lại kháy: “ai không có con trai thì xuống mâm dưới” khiến mình cũng xót cho chồng, thế mới có cái đoạn hơn bốn chục tuổi rồi mà phải vào Nam, ra Bắc liên tục như thế này”.
Với các chị em, hạnh phúc là được mang thai 9 tháng 10 ngày, nhưng không ít người, hạnh phúc ấy lại là sợi chỉ rất mong manh |
Các công đoạn điều trị: uống thuốc, tiêm kích thích trứng, thử máu đo lượng hoócmon để bác sĩ điều chỉnh thuốc, ngày lấy tinh trùng, ngày chuyển phôi, ngày nhận kết quả chị Nga đã thuộc nằm lòng. Ở phòng khám này, có lẽ bác sĩ đã quen mặt, nhẵn tên chị rồi.
Còn anh chị Nhung – Thảo (quê Bình Phước) cưới nhau từ tháng 12/2002, đến nay đã trải qua không biết bao lần điều trị hiếm muộn. “Năm đầu mới cưới, chồng bảo không được tuổi. Sang năm thứ hai “thả ra”, mãi chẳng thấy gì. Sốt ruột đi khám, bác sĩ bảo chồng tinh trùng yếu. Vậy là vợ chồng chữa đủ cách. Hễ nghe ai mách ở đâu có thuốc hay là anh chị không ngại đường xá xa xôi, vất vả tốn kém mấy cũng ráng tìm đến. Từ Nam tới Bắc đủ cả, không sót nơi nào. Thậm chí, nghe đồn có 1 nhà thờ ở quận Thủ Đức, TP.HCM có thể chữa được hiếm muộn anh chị cũng tìm đến”.
Cùng đợt điều trị với chị Nga, chị Nhung còn có chị Vân ở Nam Định, chị Ngân ở Biên Hòa, chị Loan ở Bình Dương, chị Mai ở Bắc Giang, chị Hảo ở Lâm Đồng, chị Hà ở cao nguyên Đắk Lắk… ngày ngày họ khắc khoải mong chờ với bao khát vọng làm mẹ. Thương và nhớ nhất là hoàn cảnh của gia đình chị Mai. Nhà có tí ruộng vườn, heo gà đều bán sạch. Cầm trên tay 40 – 50 triệu chỉ cái vèo là hết.
Khắc khoải mong chờ
14 ngày sau khi chuyển phôi là các chị có thể biết được kết quả, ai “đậu” ai “rớt”. Chị Hà ở Đắk Lắk nói: “14 ngày mà cứ như 14 năm trải qua các kỳ thi sát hạch. Ai ai cũng hồi hộp, đợi chờ trong lo lắng. 14 ngày, chị đã nhận được hơn 100 tin nhắn và không biết bao nhiêu cuộc điện thoại của những người bạn đồng hành chia sẻ: “Tuần thứ nhất, em thấy sức khỏe thế nào. Cố mà giữ nhé, uống thuốc, ăn uống cho đều, nằm yên, đừng vận động, lên xuống cầu thang, đi lại ít thôi nhé”… “Tuần thứ hai, em thấy trong người có gì lạ không. Chị thấy cái Hảo nói bụng nó hơi căng căng, đi ngoài táo bón, sao chị chẳng thấy dấu hiệu gì lạ cả, em thế nào?”.
“Mấy ngày nay chị ăn không ngon, hay buồn nôn” v.v. – những cái tin đại loại như vậy từ nhiều người cùng cảnh liên tục nhắn vào máy điện thoại của chị. Chị đã nghe và làm theo chỉ dẫn của những người đầy kinh nghiệm, thậm chí 14 ngày qua chị còn nằm như bất động, chỉ sợ một chút bất cẩn của mình sẽ làm ảnh hưởng đến thai nhi (là chị tưởng tượng ra thế). Bởi vậy mà thân thể, tay chân chị bị mỏi nhừ sau 14 ngày nằm chờ”.
14 ngày chờ đợi là 14 ngày được nâng niu chiều chuộng. Không riêng gì bản thân mà những người thân trong gia đình các chị cũng hồi hộp không kém. Ngày chữa bệnh, mẹ chị Loan hay tin đã bỏ hết công việc ngoài quê để vào chăm sóc con gái. Mỗi ngày, bà đi chợ, nấu đủ loại thức ăn bổ béo tẩm dưỡng cho chị. Chồng chị, bình thường 7 giờ tối mới đi làm về, thế mà những ngày này cũng thu xếp về rất sớm, hỏi han, trò chuyện với chị.
Ai cũng mong thời gian trôi qua nhanh. Rồi ngày “định mệnh” ấy cũng đã đến. Đêm đó không ai tài nào chợp mắt. 8 giờ đến phòng khám đã thấy các chị ngồi chờ làm xét nghiệm đông đủ cả. Không như những gì các chị mong đợi, kết quả, trong đợt khám chữa 7 người thì chỉ có 2 người “đậu”. Vậy là suốt hơn tuần liền những chị bị “rớt” rơi vào trạng thái trầm cảm. Về sau, được gia đình, người thân động viên, các chị mới tĩnh tâm trở lại.
Hạnh phúc đâu của riêng ai
Từ 30 – 40% – đó là tỉ lệ ước tính số ca thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) thành công. Dù biết như vậy nhưng các chị bảo: “Mình cứ cố hết sức, được thì vui, không được đành chịu, chứ còn 1 tia hy vọng là mình cũng thử”.
Qua tìm hiểu, Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết – trưởng khoa Hiếm muộn bệnh viện Từ Dũ cho biết: yếu tố tâm lý rất quan trọng khi làm TTTON. Tại VN, chi phí 1 ca TTTON tới 30 – 40 triệu, đối với thu nhập của người dân, con số này không nhỏ nên đã trở thành một trong những áp lực cho bệnh nhân mà cho cả bác sĩ điều trị. Tâm lý ai điều trị cũng muốn thành công, nhưng nếu căng thẳng quá sẽ khiến phôi khó làm tổ và nếu có làm tổ cũng dễ bong. Khi TTTON, bệnh nhân hãy cố gắng tạo tâm lý thoải mái.
Ngoài ra, sự động viên, chia sẻ của người chồng đối với vợ cũng giúp ích rất nhiều trong khi điều trị. Tập thể bác sĩ, nhân viên khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ cũng vui và xúc động không kém bệnh nhân. Chúng tôi làm sao quên được nụ cười hạnh phúc và những giọt nước mắt buồn khi nhận kết quả không thành công của các cặp vợ chồng.