Kết hôn ở tuổi 27, Lan phân vân không biết đã nên sinh con hay chưa. Sinh con thì khó lên sếp, mà đẻ con muộn thì…
Tuổi 25
Các bác sỹ đều khuyên chị em có con vào độ tuổi này. Cơ thể chị em đang ở vào giai đoạn phát triển hoàn hảo nhất cho việc sinh nở, nuôi con. Bé sinh ra thường khỏe, ít gặp các biến chứng trong thai nghén. Bạn cũng có thể yên tâm vì ngay cả trong trường hợp vợ chồng gặp trở ngại, trục trặc trong quá trình tìm kiếm một đứa con thì các bác sỹ cũng có thể hỗ trợ được rất dễ dàng. Xác xuất thành công của các ca điều trị hiếm muộn với vợ khoảng 25 tuổi là rất cao.
Tuy nhiên, chị em bây giờ lại chưa muốn sinh con vào tuổi 25. Hầu hết chị em vừa chỉ tốt nghiệp đại học được vài năm, đa phần đều mới ổn định cơ bản về công việc chứ chưa có sự thăng tiến. Kinh tế tích lũy chưa có nên hầu hết những người mẹ tuổi 25 đều phụ thuộc ít nhiều kinh tế vào chồng, gia đình chồng hoặc vào cha mẹ ruột của mình.
Những người mẹ ở tuổi 25 còn thiếu kinh nghiệm, ở vào độ tuổi chưa từng trải và chưa phải chịu đựng nhiều nên khi xảy ra những xung đột thường gặp. Hầu hết chị em chưa biết cách xử lý tốt nhất, dễ dẫn đến tình trạng trầm uất, sai mất sữa, nuôi con đầu lòng sai phương pháp nên dù lúc sinh bé rất khỏe mạnh nhưng lại dễ đau bệnh vì các “lỗi” mẹ có thể gặp phải trong quá trình nuôi. Mẹ cũng thường phải đối mặt với stress vì cảm giác mình bất lực, không biết làm gì với con.
Nếu làm mẹ ở tuổi 25, chị em chỉ cần bạn chịu khó học hỏi, tham gia các lớp tiền sản, tìm hiểu kinh nghiệm từ những người phụ nữ đi trước trong gia đình. Hãy tự tin hơn ở mình và đừng quá hoang mang. Cũng đừng thoáng buồn khi nhìn thấy không ít bạn bè đồng lứa của mình đang còn bay nhảy tung tăng, shopping mua sắm, đi spa thư giãn còn mình phải tất bật với chuyện con bệnh, con khóc, con đói, con đi ngoài…
Hãy cố gắng cân đối thời gian, chia sẻ những khó khăn với anh xã và dành cho mình một chút thư giãn đáng có. Bạn sẽ thấy việc làm mẹ trở nên tuyệt vời chứ không phải chuyện “sao mình chui vào cái khổ sớm làm gì thế này?” nữa…
Tuổi 30
Lúc này, hầu hết các chị em đều có những vị trí nhất định, công việc ổn định, mức lương cao. Sự tự tin về tài chính cộng với những trải nghiệm thực tế trong cuộc sống, những kiến thức tích lũy dần từ sách vở, báo chí giúp những người phụ nữ làm mẹ ở tuổi 30 trở nên rất tự chủ, tự tin và họ thật sự tận hưởng cảm giác được làm mẹ của mình như một nốt thăng trong bản nhạc vốn đã êm dịu, bay bổng hơn trong cuộc sống của mình.
Cách nhìn nhận sự việc thoáng hơn, ít xét nét, thông cảm và thấu hiểu nhiều hơn cho việc hòa thuận với các thành viên khác trong gia đình suốt quá trình nuôi con cũng trở nên thật dễ dàng. Ví dụ như nếu chồng đi nhậu về trễ mà con đang ốm, một người phụ nữ 30 tuổi sẽ không nhăn nhó, la hét, thậm chí khóc lóc, thậm chí stress nặng như người mẹ tuổi 25 nữa. Họ biết cách xử lý điềm đạm mọi thứ sao cho tốt nhất cho con và cho bản thân mình. Trầm cảm sau sinh thường ít xảy ra với người làm mẹ tuổi 30.
Nhưng trong trường hợp bạn vẫn chần chừ chưa muốn có con đầu lòng ở vào tuổi 31, 32 thậm chí còn hơn nữa thì cẩn thận nhé! Nguy cơ hiếm muộn sẽ tăng lên. Rất nhiều người đã đổ không biết bao nhiêu tiền mới có thể có được niềm vui làm mẹ đấy.
Thêm vào đó, sinh con sau tuổi 30, bạn sẽ phải đối mặt với những nguy cơ biến chứng thai nghén, con dễ sinh non. Một thiệt thòi khác cần nhắc đến là nếu trường hợp may mắn bạn sinh thường ở tuổi 30 thì bạn còn có cơ hội để có đứa thứ hai như ước ao của mình. Trong trường hợp bạn sinh mổ (cần thời gian hồi phục lâu hơn), bạn sẽ gặp khó khăn rất lớn nếu muốn có thêm bé thứ hai…
Chị em đừng đặt quá nặng chuyện phải độc lập tài chính, chuẩn bị thật chu đáo mọi thứ rồi mới dám có con. Càng đặt nặng, bạn sẽ càng thấy ngần ngại trước những thử thách trước mắt đấy. Có con là một “mục tiêu” nên được ưu tiên hàng đầu, sự nghiệp hay chuyện thăng tiến có thể chờ bạn cả chục năm sau nhưng việc có con thì chỉ sau tuổi 35 là gần như cơ hội đã khép lại vĩnh viễn. Hãy luôn ghi nhớ điều đó để có sự lựa chọn phù hợp cho mình, bạn nhé!
Tuổi 35
Như những người mẹ ở tuổi 30, người làm mẹ ở tuổi 35 đã có được công việc ổn định, tài chính vững vàng. Họ có thể dành tất cả cho con những dịch vụ y tế tốt nhất, có thể chọn cho con những vật dụng tốt nhất mà mình muốn có. Người làm mẹ ở tuổi 35 thậm chí còn thuận lợi hơn những bà mẹ tuổi 30 ở chỗ họ đã có những khoản tích lũy lớn trong ngân hàng, đã biết tìm cách cân bằng tuyệt diệu giữa công việc với cuộc sống gia đình nên có thể dành rất nhiều thời gian cho con nhưng vẫn đảm bảo thu nhập không thay đổi nhiều và chất lượng cuộc sống vẫn cao như cũ.
Nhưng sinh nở ở độ tuổi này là một sự mạo hiểm. Bạn rất khó có thai và phải tìm đến phòng khám hiếm muộn nếu sau khi lập gia đình 6 tháng, gần gũi chăn gối bình thường mà không thể thụ thai (trong khi với người phụ nữ 25 tuổi, thời gian này được phép đến 2 năm).
Nếu may mắn có thai, bạn sẽ phải theo dõi rất sát sao từng bước phát triển của thai nhi, phải cẩn thận kiểm tra vì thai nhi có thể bị dị tật, gặp những biến chứng nhất định. Tỷ lệ mang thai sau tuổi 35 bị sinh non, dọa sẩy thai… đều rất cao. Bạn cần hiểu rõ như thế để lường mọi bất trắc có thể đến với mình.
Ngoài ra, sinh con đầu lòng ở tuổi 35, thường thì mẹ ruột hoặc mẹ chồng bạn đã rất lớn tuối, thậm chí đã mất, nên bạn sẽ phải một mình đối mặt với những lúng túng, bỡ ngỡ thay vì được hướng dẫn cặn kẽ, san sẻ khó khăn. Đây là một thiệt thòi lớn mà chỉ có những ai trong cuộc mới có thể cảm nhận hết.
Tốt nhất, đừng bao giờ đợi đến độ tuổi này mới thực hiện thiên chức làm mẹ, nếu bạn có thể làm điều đó sớm hơn. Trong trường hợp vì một nguyên nhân gì đó bạn phải làm mẹ ở tuổi 35, hãy cẩn thận, thăm khám thai thường xuyên, thực hiện mọi xét nghiệm để có thể dành những gì tốt nhất cho thiên thần bé bỏng của mình.